Hy Lạp đã thoát hiểm

Hy Lạp đã thoát hiểm nhờ gói cứu trợ của Eurozone

Các bộ trưởng tài chính Eurozone sáng 21/2 đã thông qua gói cứu trợ thứ hai cho Hy Lạp, giúp nước này tránh được nguy cơ vỡ nợ.
Sau hơn 12 giờ đàm phán liên tục, các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro (Eurozone) sáng 21/2 đã thông qua gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ euro (170 tỷ USD) cho Hy Lạp, giúp nước này tránh được nguy cơ vỡ nợ và tiếp tục ở lại liên minh tiền tệ.

Kết thúc cuộc họp, các bộ trưởng tài chính Eurozone đã nhất trí về các biện pháp nhằm giảm mức nợ của Hy Lạp xuống khoảng 121% GDP vào năm 2020, so với mục tiêu đề ra trước đó là 120% GDP, sau khi các chủ nợ tư nhân được đề nghị chấp nhận một mức lỗ lớn hơn để giúp lấp đầy khoảng trống ngân sách của nước này.

Với kết quả này của cuộc họp, Hy Lạp có thể tiến hành hoán đổi nợ với các chủ nợ tư nhân để giảm 107 tỷ euro nợ cho nước này.

[Eurozone vừa thông qua gói cứu trợ cho Hy Lạp]

Các chủ nợ tư nhân được nhận định sẽ chịu lỗ 53,5% hoặc nhiều hơn đối với giá trị danh nghĩa, tương đương với mức thiệt hại khoảng 70% giá trị thực, của số trái phiếu Hy Lạp mà họ đang nắm giữ.

Dự kiến, phần lớn số tiền trong gói cứu trợ mới sẽ được dành để hỗ trợ việc hoán đổi nợ và duy trì sự ổn định của hệ thống ngân hàng Hy Lạp.

Cụ thể, 30 tỷ euro sẽ dành cho việc vận động lĩnh vực tư ký thỏa thuận hoán đổi nợ, 23 tỷ euro dành cho việc tái cấp vốn cho các ngân hàng Hy Lạp, 35 tỷ euro cho phép Hy Lạp tài trợ cho việc mua lại trái phiếu và 5,7 tỷ euro dùng vào việc trả lãi của số trái phiếu được hoán đổi.

Trong khi đó, sẽ không có khoản tiền nào dành cho việc trực tiếp hỗ trợ nền kinh tế Hy Lạp. Tuy nhiên, những con số này có thể thay đổi trong phân tích cuối cùng về nỗ lực của Hy Lạp nhằm đạt mục tiêu ổn định nợ.

Trước đó, các nguồn tin từ Eurozone cho biết các ngân hàng trung ương khu vực có thể tái cơ cấu số trái phiếu của Hy Lạp mà các ngân hàng này đang nắm giữ theo cách mà các nhà đầu tư tư nhân đã làm, điều sẽ giảm số nợ của Athens 3,5 điểm phần trăm.

Thêm vào đó, nếu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chuyển lợi nhuận từ việc mua trái phiếu của Hy Lạp trong hơn hai năm qua cho các ngân hàng trung ương khu vực để chính phủ các nước hỗ trợ Athens, GDP của nước này sẽ tăng 5,5 điểm phần trăm.

Mặc dù Hy Lạp đã thoát khỏi tình cảnh ngặt nghèo, song không ai có thể khẳng định gói cứu trợ mới sẽ kết thúc mọi vấn đề của nước này.

Theo một báo cáo được chuẩn bị cho cuộc họp trên, nếu không thực hiện được các cam kết về cải cách kinh tế và tiết kiệm chi tiêu, nợ của Hy Lạp sẽ lại ở mức 160% GDP vào năm 2020.

Trong khi đó, những số liệu công bố tuần trước cho thấy kinh tế Hy Lạp giảm 7% trong quý 4/2011, trong khi việc thắt lưng buộc bụng hơn nữa có thể khiến tình hình tồi tệ hơn.

Theo Chủ tịch nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone, Jean-Claude Juncker, các nhà cho vay sẽ tăng cường sự giám sát đối với các quyết định của Hy Lạp trong vấn đề chi tiêu, trong khi trong vòng hai tháng tới, Hy Lạp sẽ phải đưa vào hiến pháp một điều khoản đảm bảo rằng nước này sẽ dành ưu tiên cho việc thanh toán lãi các khoản nợ./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục