Thắp lửa ấm từ trái tim cho nơi tâm lũ miền Trung

Những ngày này trên con đường đi vào miền Trung, cảnh thường xuyên là các đoàn xe chất đầy nhu yếu phẩm, quần áo, mỳ tôm, thóc gạo, nước khoáng... đến cho bà con vùng lũ. Mỗi chuyến xe không chỉ nặng hàng cứu trợ mà còn mang nặng ân tình, sự sẻ chia của bà con khắp mọi vùng miền trên cả nước, của những người tham gia đoàn cứu trợ vượt mọi khó khăn, gian nan đến với với khúc ruột miền Trung của đất nước trên tinh thần tương thân tương ái của dòng máu Lạc Hồng.
Những ngày này trên con đường đi vào miền Trung, cảnh thường xuyên là các đoàn xe chất đầy nhu yếu phẩm, quần áo, mỳ tôm, thóc gạo, nước khoáng... đến cho bà con vùng lũ.

Mỗi chuyến xe không chỉ nặng hàng cứu trợ mà còn mang nặng ân tình, sự sẻ chia của bà con khắp mọi vùng miền trên cả nước, của những người tham gia đoàn cứu trợ vượt mọi khó khăn, gian nan đến với với khúc ruột miền Trung của đất nước trên tinh thần tương thân tương ái của dòng máu Lạc Hồng.

Băng mưa, vượt ngập đến với vùng lũ

Cơn bão lũ đã qua, nhưng những ngày này tại các điểm ngập lụt nặng, người dân vẫn đang phải vất vả chống cái đói và những mưu sinh thường nhật để tìm lại cuộc sống ổn định trước kia.

Hình ảnh những người dân ở những xã ngập sâu trong lũ đứng trên các điểm nổi khỏi mặt nước vẫy tay mừng cứu trợ là những ám ảnh không quên đối với những người đi cứu trợ. Chính hình ảnh đó, càng thôi thúc những người dân ở khắp mọi miền Tổ quốc, sẻ chia cơm áo cho đồng bào miền Trung, cũng như tiếp sức mạnh cho đoàn người cứu trợ vượt qua khó khăn của chặng đường băng mưa, vượt ngập đến với vùng lũ.

Đỗ xịch xe tại trung tâm Ủy ban Nhân dân huyện Hương Khê, 10 chiếc xe cứu trợ của công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang đã sẵn sàng “xuất bến.” Bên trong những chiếc xe này là hơn 100 tấn gạo cùng các nhu yếu phẩm khác được chuẩn bị để chia về các xã ngập nặng nhất của hai huyện Hương Khê và Vũ Quang.

Anh Nguyễn Thành Kiên, lái xe trong đoàn thở phào nhẹ nhõm kể lại chuyến đi vào rốn lũ mà anh nhớ nhất trong đời.

“Đoàn chúng tôi đi từ An Giang tới Quảng Bình thì quốc lộ 1A bị ngập sâu tại nhiều điểm ở các huyện. Vì thế, mọi thành viên trong đoàn phải chuyển hướng sang đi theo đường Hồ Chí Minh. Mò mẫm qua các điểm ngập sâu đã là một kỳ tích với các anh bởi tại đó, nước dâng lên cao “ngoạm” mất đường nên rất khó xác định được phương hướng. Lái xe phải vừa đi vừa dò đường. Có đoạn nước ngập sâu, thành viên trong đoàn phải thay nhau xuống đi trước để làm cọc chỉ đường cho cả đoàn tiếp tục hành trình.

Những tưởng tới được đường nhánh Hồ Chí Minh, công cuộc chuyển hàng tới vùng lũ sẽ thuận lợi và được rút ngắn thì tại đây, các anh phải gặp thêm nhiều gian nan, vất vả bởi các chướng ngại vật cứ chắn ngang đường ngăn không cho chuyển đồ tới rốn lũ.

Đưa ánh mắt nhìn về phía hàng, anh Kiên bồi hồi nhớ lại cung đường nguy hiểm nhất mà anh trải qua trong nghề lái xe.

“Do mưa lớn trong mất ngày, đường Hồ Chí Minh lại tiếp giáp với nhiều vách núi đồi nên đá bị sạt lở. Đá tảng to hai người ôm cứ chắn ngang đường, đi mất 4 tiếng đồng hồ mới có thể vượt qua được 50km. Thậm chí có đoạn, mấy người phải nhảy khỏi xe khuân đá sang bên đường để những xe đi sau có thể an toàn mà đi,” anh Kiên cho hay.

Không những thế, có đoạn, đang đi trên xe, đất đá trên núi cứ ào ào rơi xuống khiến những người lái xe có thâm niên lâu năm như anh Kiên cũng phải rợn tóc gáy.

Anh Kiên chia sẻ: “Nhiều khi, đất rơi vung vãi chắn ngang cả mặt kính, tuyến đường này lại sát với vực sâu, hai bên taluy đường đều bị nước ngập bẻ cong và cuốn trôi. Nhiều đoạn cua che khuất tầm nhìn phải thật tập trung mới có thể băng qua được.

 Mọi con đường đều đổ về miền Trung

Có mặt từ những ngày lũ bắt đầu tràn về, anh Hồ Mạnh Hùng, Giám đốc chi nhánh công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang đã đi được 2 lần tới các xã ngập sâu nhất của các tỉnh Quảng Bình, Hà Tình.

Sống chung với lũ, anh Hùng mới thấu hiểu được khó khăn chồng chất người dân nơi đây. Nhà cửa bị lũ cuốn trôi, nhiều gia đình mất người thân, thóc bị ngâm sâu trong nước đã nảy mầm, nhiều hộ không còn gì để ăn. Cảnh cái đói, sự tang tóc cứ bám theo anh mỗi khi nghĩ về những số phận, những hoàn cảnh của nhân dân rốn lũ.

Khi đoàn xe tới các điểm ngập, do nước sâu, các xã bị chia cắt để có thể chuyển hàng phải mất tới mấy lần tháo dỡ từ ô tô xuống xuồng, thuyền. Tới đâu, bà con cũng nháo nhác chạy ra nhận hàng.

Khi chuyển xong, anh và các thành viên trong đoàn mới nhẹ người bởi chính tấm lòng, tình cảm chia sẻ với người dân vùng lũ mới là động lực thúc giục các anh có thể vượt qua những thử thách trên mỗi chặng đường dài có thể đánh đổi bằng cả mạng sống của mình.

Cũng như anh Hùng, anh Tài nhớ lại lần đi vào xã Hương Đô, Hương Khê, Hà Tĩnh, một trong những điểm ngập lụt nặng nhất để phát đồ cho người dân vùng nơi đây.

Anh Tài kể lại, phát xong những thùng mì cứu trợ, được nghe lời hỏi thăm của các mẹ, các o nhỏ tại Quảng Bình về quê hương, về chặng đường anh mới thấy được tình cảm mà bà con vùng lũ dành cho đoàn.

“Khi vào tới xã, có một mẹ mời vào nhà uống nước cùng gia đình, căn nhà tuềnh toàng, nước ngập tới vỉa hè, tài sản duy nhất là chiếc bàn và mấy cái ghế con đang ngồi mới được chùi khô ướt nhoèn vì nước mới thấy được nỗi khổ mà họ phải chịu,” anh Tài chia sẻ.

Những đoàn cứu trợ như anh Hùng, anh Tài mang được hạt thóc tới vùng lũ cũng chính là gieo những mầm sống đến những người dân nơi đây để có thể thoát ra được cảnh khốn khó trong những ngày nước ngập trắng vùng.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Chánh văn phòng huyện Can Lộc ngay hôm lũ lụt tỉnh Hà Tĩnh đã cứu trợ khẩn cấp 30 tấn mì tôm và đoàn cứu trợ đầu tiên là Công ty Việt Phát ở Thái Bình với 1,85 tấn gạo và hàng trăm thùng mì tôm cùng các nhu yếu phẩm khác nhằm cứu đói cho người dân vùng rốn lũ. Cùng với đó, rất nhiều nhu yếu phẩm khác cũng được các nhà hảo tâm liên tục chuyển về cho Can Lộc.

“Thậm chí, có đoàn đi qua huyện, thấy lũ về, đã tự mua chỉ 29 thùng mỳ tôm ủng hộ. Tuy không nhiều, nhưng chính những tấm lòng hết mình vì đồng bào như thế đã giúp đồng bào thêm ấm lòng vượt qua hoạn nạn,” ông Dũng chia sẻ./.

Sơn Bách (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục