Khẩu phần ăn thấp, ngộ độc tăng, hệ lụy nòi giống

Những vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, chế xuất đang ngày càng gia tăng do giá của mỗi suất ăn quá thấp (bình quân khoảng 15.000 đồng) dẫn đến nguồn cung nguyên liệu đầu vào kém chất lượng. Không chỉ dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm, gây ngộ độc mà khẩu phần ăn này còn khiến hàng triệu người lao động tại khu vực này bị bào mòn sức lực do các bữa ăn thiếu năng lượng, chất kéo dài và nguy cơ bị ảnh hưởng đến giống nòi.
Những vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, chế xuất đang ngày càng gia tăng do giá của mỗi suất ăn quá thấp (bình quân khoảng 15.000 đồng) dẫn đến nguồn cung nguyên liệu đầu vào kém chất lượng.

Không chỉ dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm, gây ngộ độc mà khẩu phần ăn này còn khiến hàng triệu người lao động tại khu vực này bị bào mòn sức lực do các bữa ăn thiếu năng lượng, chất kéo dài và nguy cơ bị ảnh hưởng đến giống nòi.

Đây là những thông tin được cảnh báo tại Hội thảo "Ngộ độc bếp ăn tập thể khu công nghiệp- thực trạng và giải pháp" do Cục An toàn vệ sinh thực phẩm – Bộ Y tế tổ chức tại thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương) vào ngày 13/8.

Giá suất ăn quá thấp, thủ phạm gây ngộ độc

Tại hội thảo, tiến sỹ Trần Quang Trung, Cục trưởng cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, trong giai đoạn 2007- 2011, toàn quốc đã ghi nhận 927 vụ ngộ độc thực phẩm với 30.733 ca mắc làm 229 người chết. Trung bình mỗi năm cả nước xảy ra 185 vụ với 6.147 người mắc và làm 46 người chết.

Cũng theo tiến sỹ Trung, phân tích 927 vụ ngộ độc thực phẩm cho thấy, số vụ ngộ độc bếp ăn tập thể chiếm từ 12,7-20,6% trên tổng số vụ. Riêng tại các tỉnh khu vực phía Nam, từ 2009-2011 xảy ra 171 vụ ngộ độc thực phẩm với 6.345 người ca mắc làm 35 ca tử vong.

Hiện nay, cả nước có 256 khu cộng nghiệp, khu chế xuất, riêng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có 65 khu công nghiệp, khu chế xuất. Từ năm 2007-2011 đã xảy ra 72 vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể khu công nghiệp, khu chế xuất làm gần 7.000 người mắc với 6.584 ca phải nhập viện. Rất may đã không ghi nhận trường hợp nào bị tử vong.

Bác sỹ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, thống kê đến năm 2009, toàn tỉnh có 17.200 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và 1.435 bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, 2.902 nhà hàng và 8.524 điểm bán thức ăn đường phố. Từ 2007- 2011 xảy ra 27 vụ vụ, trong đó năm 2009 có 10 vụ phẩm ngộ độc thực phẩm với 387 ca mắc.

Nhiều đại biểu chuyên ngành y tế đánh giá nguyên nhân gia tăng ngộ độc là do quá trình cung cấp nguyên liệu thực phẩm, khâu chế biến, bảo quản thức ăn dẫn đến nhiễm vi sinh. Ngoài ra, còn có nguyên nhân khác về suất ăn có giá trị thấp dẫn đến kém chất lượng cũng là một thực trạng đáng báo động.

Tiến sỹ Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho rằng trong những năm gần đây ngộ độc trong công nhân là vấn đề nóng.

“Giá của suất ăn cũng là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng. Trong năm vừa rồi Cục đã kết hợp với Viện Dinh Dưỡng quốc gia tiến hành nghiên cứu các nhóm công nhân làm công làm công việc ở cấp độ vừa và cấp độ nhẹ để tìm khẩu phần ăn phù hợp. Kết quả cho thấy dinh dưỡng ở các bếp ăn tập thể hiện nay dành cho công nhân là thiếu. Ở Bình Dương cũng tiến hành nghiên cứu trong hai năm gần đây, suất ăn ở nhiều cơ sở chưa đảm bảo. Giá thành của suất ăn thấp chắc chắn nguyên liệu không đảm bảo vì người ta buộc phải mua các nguyên liệu rẻ và rất rẻ” – ông Long nói.

Nói về thực trạng này, ông Nguyễn Văn Đạt, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bình Dương cho hay trong giai đoạn 2010-2011, Chi cục khảo sát bữa ăn của 50 doanh nghiệp trên địa bàn thì mức giá bình quân là 15.000 đồng/suất ăn công nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp có suất ăn trị giá 7.000 đồng (chưa khấu trừ chi phí) thì không biết công nhân ăn cái gì..

Ăn kém hôm nay, tương lai giống nòi tụt hậu

Theo phó giáo sư-tiến sỹ Lê Bạch Mai, Phó Viện Trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, qua khảo sát bữa ăn của công nhân tại một số khu công nghiệp, khu chế xuất cho thấy khẩu phần ăn của công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu năng lượng đối với lao động nam chỉ khoảng 90%.

Trong khi đó, lao động nữ (ở các ngành nghề lao động nhẹ) chỉ mới đáp ứng được 77%. Hiện tượng này nếu còn kéo dài sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tình trạng dinh dưỡng, khả năng lao động của người công nhân dẫn đến nguy cơ làm suy giảm giống nòi cho thế hệ sau này.

Đa phần chất lượng bữa ăn của công nhân rất mất cân đối, năng lượng trong khẩu phần chỉ có 12% đến từ protein (chất đạm), 16% đến từ chất béo, còn lại 72% đến từ các chất bột đường như gạo, ngô khoai… Việc cung cấp thiếu năng lượng dẫn đến người lao động bị bào mòn sức lực, họ rơi vào thực trạng “như ăn thịt mình.”

Dẫn chứng về vấn đề này, bà Mai cho rằng một trong nguyên nhân năng lượng khẩu phần ăn không đủ thì phải sử dụng nguồn năng lượng dự trữ của mình (tức là lấy đầu tiên từ glucozen trong cơ thể, lấy tiếp từ nguồn chất béo cũng không còn nữa, đến lấy từ nguồn năng lượng cuối cùng là từng lớp cơ của họ để đốt cháy lên để lấy năng lượng phục vụ cho lao động hàng ngày). Lớp cơ do đó bị mỏng đi khiến người công nhân hay gầy đi, cơ bắp giảm đi nhanh chóng dẫn đến thể chất con người ngày càng xuống cấp.

Bà Mai lo ngại về thực trạng trên sẽ ảnh hưởng đến nòi giống. Theo bà tình trạng dinh dưỡng người mẹ ảnh hưởng thai nhi, thiếu máu, sinh con nhẹ cân dưới 2,5kg, con sẽ thiếu máu, em bé sẽ kém phát triển. Tuy nhiên hiện nay chưa điều tra được mức độ thiếu máu trong công nhân là bao nhiêu.

Kiến nghị ban hành quy định khẩu phần ăn

Tại hội thảo, các ngành chức năng mong muốn cùng doanh nghiệp tìm ra suất ăn phù hợp cho các nhóm công nhân lao động ở cấp độ khác nhau trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Theo ông Nguyễn Văn Đạt, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bình Dương kiến nghị cơ quan chức năng cần phải ban hành quy định về định lượng khẩu phần ăn tối thiểu.

Trong khi đó, tiến sỹ Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho rằng tới đây sẽ kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành quy định suất ăn tối thiểu cho công nhân.

Tuy nhiên, trong bối cảnh trượt giá như hiện nay thì giá trị suất ăn phải nâng lên so với thời điểm khảo sát. Bởi qua khảo sát hồi năm 2010-2011, suất ăn đảm bảo chất lượng được công nhân đồng thuận thì phải 15.000 nhưng hiện nay thì giá đã tăng quá cao./.

Dương Chí Tưởng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục