Vẫn canh cánh nỗi lo tăng giá sữa

Trong khi giá nguyên liệu sữa đã giảm đáng kể nhưng theo điều tra thị trường, giá sữa bột rất có thể tăng trong những tháng cuối năm.
Mặc dù dư luận gần đây lên tiếng về tình trạng giá sữa bột tại Việt Nam cao nhất thế giới trong khi giá nguyên liệu đã giảm đáng kể nhưng những điều tra thị trường mới đây còn nhận định giá sữa bột có dấu hiệu tăng trong những tháng cuối năm nay.

Giá sữa tăng do quảng cáo?

Những bà mẹ đang nuôi con nhỏ tại các thành phố đều thừa nhận, quảng cáo của sữa bột ngoại khá ấn tượng. Dạo quanh các cửa hàng bán sữa tại Hà Nội đều thấy tràn ngập sữa bột ngoại.

Chị Hữu Duyên, nhà ở phố Đội Cấn cho biết không hiểu bằng cách nào, hãng sữa Abotte có số điện thoại di động và liên hệ mời đến dự hội thảo tư vấn cách chăm sóc trẻ nhỏ.

Các hội thảo này tổ chức đều đặn hàng tuần tại các khách sạn lớn, trung tâm hội nghị quốc tế vào ngày nghỉ kèm theo các hình thức trao quà. Đặc biệt, các buổi hội thảo này đều mời các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng đến tư vấn và những kiến thức này rất bổ ích với các bà mẹ.

Anh Đại Hải, chuyên viên marketing công ty quảng cáo Tân Khánh cho rằng cách thức truyền thông theo nhóm này mang lại hiệu quả cao vì nó cung cấp kiến thức hữu ích trực tiếp cho các bà mẹ trẻ. Hình ảnh hãng sữa đi song hành trong hội thảo dễ gây ấn tượng với người dự và những hoạt động bán kèm sữa bên ngoài hành lang rất hút hàng.

Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết kinh phí các hãng sữa bột chi cho quảng cáo tập trung chủ yếu cho các buổi hội thảo, tư vấn, diễn đàn... với sự tham gia của các bác sĩ, chuyên gia của các bệnh viện nhi lớn.

Cũng theo khảo sát của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, có tới 80% số người được hỏi cho biết họ tiếp cận thông tin sữa bột ngoại qua quảng cáo, hội thảo, buổi tư vấn. Dân thành phố chỉ chiếm khoảng 20% tổng dân số nhưng đang tiêu thụ tới 80% sản lượng sữa bột nhập ngoại.

Bà Phạm Thị Tuyên, đại diện cho Câu lạc bộ Người tiêu dùng nữ cho rằng sự xuất hiện quá nhiều thông tin quảng cáo về các loại sữa khiến người tiêu dùng mất phương hướng. Nhiều hãng sữa bột ngoại đã dùng ngôn từ phóng đại như uống sữa vào thì thông mình hơn, cao hơn và đánh trúng vào tâm lý người tiêu dùng mua sữa ngoại mới tốt cho trẻ em.

Trong khi thực tế những vi chất đó có thực sự hữu ích không thì chưa thấy cơ quan có trách nhiệm nào của Nhà nước lên tiếng?, bà Tuyên nói.

Theo ông Vương Trí Dũng, Phó chi Cục trưởng chi Cục quản lý thị trường Hà Nội, với khoản chênh lệch giữa giá nhập khẩu và giá bán, không loại trừ khả năng “trốn” thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối chuyển phần chênh lệch giá này sang quảng cáo và khuyến mại, hội thảo... để không phải nộp cho Nhà nước mà dùng để xúc tiến thương mại và cạnh tranh trên thị trường.


Hiệp lực mới giải quyết được vấn đề giá

Theo ông Vương Trí Dũng, qua điều tra các cơ sở kinh doanh sữa trên địa bàn Hà Nội cho thấy việc kiểm tra chất lượng khâu lưu thông đối với sữa bột ngoại trẻ em khó thực hiện do giá giám định cao. Đáng chú ý, phần chênh lệch giá nhập và giá niêm yết của một số loại sữa bột lệch giá khá cao như Loại Enfa Grow A+ của Công ty Mead Johnson loại 900g chênh lệch 242%; loại Dugro Gold 800g của Công ty Dumex chênh lệch 285%; sữa Gain, Pedia Sure, Ensure của Công ty Abbott loại 400g chênh lệnh từ 220 - 246 %; thấp nhất là loại sữa Milex 400g của Công ty Arla Foods chênh lệch 30%.

Qua kiểm tra chứng từ nhập khẩu lô hàng Ensure từ Thái Lan (không phải do nhà phân phối nhập khẩu), giá “gốc” của nhà phân phối nhập khẩu cao hơn gần 96%; trong khi đó, đơn vị này bán thấp hơn giá nhà phân phối 26% khiến nhà phân phối sữa Ensure không đồng ý và kiến nghị cơ quan chức năng kiểm tra, đồng thời cho rằng sữa giả nhãn hiệu nhưng thực chất đây là lô hàng nhập khẩu song song.

Do đó, ông Dũng cho rằng, vấn đề chênh lệch giá và giải quyết chênh lệch giá sẽ góp phần làm sáng tỏ và hạn chế tăng giá không bình thường của các công ty nhập khẩu và phân phối.

Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng Cục Quản lý Cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương phải điều chỉnh, kiến nghị sửa đổi Luật Cạnh tranh cho phù hợp; không để việc quảng cáo với phương pháp và nội dung chưa được kiểm soát như hiện nay; cần điều tra việc quảng cáo cạnh tranh không lành mạnh.

Đồng thời, Hội cũng yêu cầu Cục Quản lý Cạnh tranh điều tra có việc độc quyền liên kết làm giá hay không của các doanh nghiệp nước ngoài, xử lý mạnh mẽ và khắc phục các khe hở của pháp luật mới hạn chế, minh bạch chất lượng và giá thành sữa nhập, giúp người tiêu dùng lựa chọn khi mua sắm.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội nêu cần chứng minh vấn đề chất lượng các loại sữa sản xuất trong nước và nước ngoài khác nhau không bao nhiêu, chỉ khác nhau về giá.

Tuy nhiên thực tế để uống sữa còn vấn đề mùi vị, hình thức bắt mắt, tâm lý yên tâm và muốn con mình được thụ hưởng vẫn mạnh hơn sự tuyên truyền yếu ớt và không thường xuyên từ một số cơ quan quản lý, ông Phú cho biết.

Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cũng cho rằng doanh nghiệp sữa trong nước phải đứng lên khẳng định “bản thân”. Chỉ khi doanh nghiệp sữa nội khẳng định thương hiệu, tạo niềm tin với người tiêu dùng mới “đẩy lùi” sự bất hợp lý về giá sữa bột nhập ngoại có giá cao nhất thế giới như hiện nay.

Nếu doanh nghiệp sữa nội chưa làm chủ thị trường, hiện chỉ chiếm 28% và chủ yếu là thị phần sữa tươi, vấn đề giá sữa bột vẫn tăng cao là điều khó tránh khỏi, ông Phú nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục