Như “muỗi đốt gỗ”

Tuyên truyền văn hóa giao thông: Như “muỗi đốt gỗ”

Truyền thông về văn hóa giao thông chỉ giải quyết được vấn đề tuyên truyền chứ không hiệu quả thực tế, nó chỉ như “muỗi đốt gỗ”...
Sự bùng nổ dân số, quá tải các phương tiện giao thông cùng ý thức kém của mỗi cá nhân đã vẽ nên một diện mạo giao thông không mấy “nuột nà” ở các thành phố lớn nói chung và Hà Nội nói riêng.

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với một số chuyên gia về vấn đề này.

Văn hóa giao thông phải được hình thành từ thói quen


Ông Phạm Hùng, Đội trưởng đội Điều tra giải quyết tai nạn giao thông và Tuyên truyền hướng dẫn luật giao thông đường bộ, Phòng cảnh sát giao thông Hà Nội – PC26 nói: “Thực tế, cơ sở hạ tầng ở Hà Nội chưa tương xứng với sự gia tăng mạnh của các phương tiện tham gia giao thông và nhu cầu đi lại của người dân. Tuy hệ thống đường sá có phát triển, được sửa chữa, nâng cấp nhưng chỉ chiếm 2% đất dành cho giao thông, trong khi theo yêu cầu tối thiểu phải là 15% đến 20%”.

Trong khi đó, thống kê do phòng Cảnh sát giao thông và công an các quận, huyện đưa ra: Tính đến hết tháng 9/2009, tổng số phương tiện đã đăng ký, quản lý là 302.846 ôtô, 3.550.060 môtô và chủ yếu hoạt động trên các tuyến phố chính, trong khu vực nội thành…

Nhà văn Băng Sơn cho rằng: “Với tốc độ phát triển quá nhanh của xã hội như hiện nay, rõ ràng Nhà nước không quản lý kịp. Thành phố Hà Nội (cũ) ban đầu chỉ thiết kế dành cho 20 vạn người, nhưng thực tế đến nay dân số nội đô (không tính Hà Nội mở rộng) đã lên tới gần 3 triệu người.

Số dân đã lớn gấp hơn 10 lần, kèm theo hầu như mỗi người trưởng thành lại sở hữu một phương tiện giao thông cá nhân. Như vậy, giao thông đang là hậu quả của sự quá tải đó”.

Sự quá tải này đã ảnh hưởng và tác động mạnh đến ý thức chấp hành pháp luật của người đi đường. Ông Hùng cho rằng, trong “văn hóa giao thông” thì “văn hóa” hoàn toàn không phải là thứ “cao siêu”, trừu tượng mà nên được hiểu đơn giản là thái độ của mỗi cá nhân khi tham gia giao thông.

Theo đó, xây dựng văn hóa giao thông nhằm tạo nên thói quen cư xử có văn hóa, đúng pháp luật và ý thức tự giác tuân thủ pháp luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông như một chuẩn mực đạo đức truyền thống, biểu hiện văn minh, hiện đại của con người.

Ông Hùng lưu ý: “Thái độ, ý thức chấp hành luật của một bộ phận người tham gia giao thông chưa tốt thể hiện ở hai khía cạnh là nhận thức pháp luật và tâm lý pháp lý, trong đó nổi lên là từ tâm lý, thói quen tùy tiện của khá đông người cũng như thái độ coi thường pháp luật của một bộ phận thanh niên không được giáo dục tốt”.

Như vậy, văn hóa giao thông phải được hình thành từ thói quen thực hiện tốt Luật giao thông đường bộ.

Chỉ như “muỗi đốt gỗ”

Để pháp luật đi vào cuộc sống, ông Hùng nhấn mạnh: “Trước hết phải làm cho mọi người hiểu luật và tôn trọng luật pháp, mà muốn đạt được điều này cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp trong đó tuyên truyền, giáo dục là giải pháp cơ bản, quan trọng nhất.

Bởi, trong lĩnh vực an toàn giao thông, tuyên truyền giáo dục pháp luật sẽ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người tham gia giao thông”.

Về phía người tham gia giao thông, nhà văn Băng Sơn cũng đồng tình và cho rằng: “Họ rất kém ý thức và ích kỷ”.

Tuy nhiên, ông lại tỏ ra không mấy mặn mà với những chương trình truyền thông về an toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua. Ông nói: “Tôi không tin những chương trình truyền thông về văn hóa giao thông vì thấy rất sống sượng, không đi vào lòng người. Nó chỉ giải quyết được vấn đề tuyên truyền chứ thực chất thì không làm được gì có hiệu quả ngoài thực tế”.

Nhà văn cũng không đồng tình khi gọi tên cụm từ “văn hóa giao thông”. Ông nói, “Những cái đề ra vô lý lắm. Bởi chúng ta sống là phải có văn hóa rồi, ăn cũng phải có văn hóa, đến cách xỉa răng cũng phải có văn hóa...

Bây giờ làm cái gì cũng khoác cho nó cái áo “văn hóa” thì không được, mà phải là luật pháp. Và thực tế mới chỉ hô hào, “khoác” lên cái áo “văn hóa” để cho có thôi chứ người dân tham gia như thế nào thì vẫn chưa có chế tài mạnh, chưa thiết thực, làm thế như 'muỗi đốt gỗ' thôi không có nghĩa lý gì”./.

Mai Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục