Liên hợp quốc thúc đẩy việc hợp tác Nam-Nam

LHQ triệu tập Hội nghị cấp cao vào tháng 12 tới để tăng cường đầu tư, tài chính và buôn bán đa phương giữa các nước đang phát triển.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu để lại hậu quả nghiêm trọng cho các nền kinh tế đang phát triển, Liên hợp quốc quyết định triệu tập Hội nghị cấp cao quốc tế vào tháng 12 tới tại thủ đô Nairobi của Kenya để thúc đẩy  phát triển hợp tác Nam-Nam.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh Hội nghị này nhằm tăng cường dòng đầu tư, tài chính và buôn bán đa phương, song phương giữa các nước đang phát triển. Dòng đầu tư, tài chính và buôn bán này đã liên tục tăng và trở thành một xu thế trong thế giới đang phát triển từ trước cuộc khủng hoảng.

Báo cáo của Liên hợp quốc mới đây đã chỉ rõ từ năm 1995, buôn bán hàng hóa Nam-Nam đã tăng trung bình 13% hàng năm và đạt tới 2,4 nghìn tỷ USD, chiếm 20% tổng buôn bán thế giới năm 2007, trong khi đó tốc độ tăng buôn bán chung toàn cầu chỉ đạt 9%.

Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế và tài chính thế giới đã và đang làm giảm tăng trưởng kinh tế của đa số các nước đang phát triển.

Theo dự báo của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), tỷ lệ tăng trưởng GDP của châu Phi - châu lục bị tác động nghiêm trọng nhất - đã giảm từ 5,1% năm 2008 xuống còn 4,1% năm 2009.

Tổng Thư ký UNCTAD Supachai Panitchpakdi khẳng định Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc tháng 12 tới là thắng lợi rất quan trọng của các nước đang phát triển và phản ánh tầm quan trọng đang tăng lên của chương trình nghị sự Nam-Nam.

Ông Shashi Tharoor, cựu Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc và hiện là Quốc vụ khanh đối ngoại của Ấn Độ, khẳng định hợp tác Nam-Nam thực sự trở thành hợp tác hiệu quả trong chia sẻ tri thức, kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau theo khả năng của mỗi nước trên tinh thần tự nguyện.

Hiệu quả của sự hợp tác này đã tăng gấp nhiều lần thông qua các sáng kiến song phương và đa phương.

Chương trình hợp tác kinh tế và công nghệ của Ấn Độ đã đào tạo hơn 5.000 người cho các nước đối tác đang phát triển mỗi năm, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, cơ sở hạ tầng và giáo dục ở 156 nước, với kinh phí tới 2,56 tỷ USD.

Tuy nhiên, các nước đang phát triển nhấn mạnh tăng cường hợp tác Nam-Nam không có nghĩa là thay thế hợp tác Bắc-Nam hoặc sử dụng hợp tác Nam-Nam để làm giảm quy mô và định lượng của hợp tác Bắc-Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục