Việt Nam tham dự diễn đàn toàn cầu về đại dương

Từ ngày 3-7/5, đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên dẫn đầu đã dự Hội nghị Đại dương Toàn cầu lần thứ 5, diễn ra tại Pháp.
Bảo đảm sự sinh tồn, bảo vệ cuộc sống và cải thiện công tác quản trị là nội dung chủ yếu của Hội nghị Đại dương Toàn cầu lần thứ 5, diễn ra tại thủ đô Paris, Pháp từ ngày 3-7/5.

Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh Năm Quốc tế về Đa dạng sinh học và kỷ niệm lần thứ 50 ngày ra đời Ủy ban Hải dương học liên chính phủ của UNESCO.

Sự kiện đã thu hút sự tham gia của hơn 700 đại biểu đến từ 80 nước trên thế giới. Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên dẫn đầu đã tham dự các hoạt động của Hội nghị.

Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến tác động tương hỗ giữa đại dương và sự biến đổi khí hậu toàn cầu, việc bảo đảm sự sinh tồn ở các đại dương trong bối cảnh Trái Đất ngày càng nóng lên, việc bảo tồn sự sống và da dạng sinh học biển cũng như các biện pháp nhằm cải thiện công tác quản lý đại dương và bờ biển và hải đảo ở cấp quốc gia, khu vực và tại những vùng thuộc hải phận quốc tế.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh: "Là một quốc gia ven biển, lại là một trong những quốc gia trên thế giới chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu, Việt Nam nhận thức rất rõ tầm quan trọng của biển, vùng ven biển đối với sự nghiệp phát triển bền vững đất nước trong chế độ khí hậu mới. Chính vì vậy, chính phủ và nhân dân Việt Nam đang nỗ lực và quyết tâm thực hiện mọi biện pháp để ứng phó với những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao mang lại."

Trả lời phỏng vấn của báo giới bên lề Hội nghị Đại dương Toàn cầu lần thứ 5, Bộ trưởng Nguyên đã nhấn mạnh những lý do để Việt Nam quan tâm và tham dự Hội nghị lần này, trong đó nêu bật việc Việt Nam sẽ có cơ hội để góp tiếng nói với cộng đồng các quốc gia biển, ven biển và quốc đảo kêu gọi cộng đồng quốc tế có những hành động tức thời và cụ thể giúp các nước dễ bị tổn thương quản lý biển và hải đảo trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đồng thời học tập kinh nghiệm quản lý biển, đảo và ứng phó với biến đổi khí hậu của các nước.

Bên cạnh đó, Việt Nam có cơ hội khẳng định tiếng nói của mình trên diễn đàn quốc tế, đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác với các nước, các tổ chức và các nhà tài trợ trên lĩnh vực rất mới mẻ và quan trọng này.

Theo nhận xét của Bộ trưởng, sự tham dự và đóng góp của đoàn Việt Nam tại Hội nghị đã được Ban tổ chức Hội nghị đánh giá cao. Các ý kiến và khuyến nghị của đoàn Việt Nam được Ban tổ chức ghi nhận và đưa vào khuyến nghị chính sách của Hội nghị.

Diễn đàn Toàn cầu về đại dương, bờ biển và quần đảo là dịp để tập hợp các chuyên gia nghiên cứu về đại dương và đa dạng sinh học biển, các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các tổ chức, cơ quan quốc tế và quốc gia hoạt động trong lĩnh vực này nhằm cùng bàn bạc và giải quyết các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa có liên quan đến biển, bờ biển và hải đảo, từ đó đưa ra các giải pháp để giúp cải thiện môi trường biển và đa dạng sinh học đại dương, hướng tới sự phát triển bền vững.

Các cuộc họp trước đã được tổ chức tại Hà Nội (2008) và Paris (2001, 2003 và 2006). Ban tổ chức Hội nghị gồm 19 tổ chức quốc tế và khu vực, như các cơ quan của Liên hợp quốc (UNDP, UNEP, UNESCO), Quỹ môi trường toàn cầu (GEF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Mạng lưới đại dương thế giới WON)... cũng như Chính phủ Pháp, Mỹ và chính phủ một số nước có hoạt động tích cực trong lĩnh vực biển và đại dương, trong đó có Việt Nam./.

Nguyễn Thu Hà (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục