Giao lưu Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam vào 10/8

Chương trình giao lưu nghệ thuật “Chung tay xoa dịu nỗi dau da cam” 2012, tổ chức tối 10/8, kỷ niệm 51 năm thảm họa da cam ở VN.
Nhân 51 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (1961-2012) và Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (10/8), tối 10/8, tại Hà Nội, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tổ chức chương trình “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” năm 2012.

Chương trình được Đài Truyền hình Việt Nam tường thuật trực tiếp trên kênh VTV2, VTV4. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi lẵng hoa tới chương trình.

Phát biểu khai mạc chương trình, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam nhấn mạnh: Chương trình giao lưu nghệ thuật “Chung tay xoa dịu nỗi dau da cam” năm 2012, là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhân 51 năm thảm họa da cam ở Việt Nam và Ngày vì nạn nhân chất độc da cam 10/8.

Chương trình mong muốn góp tiếng nói phản ánh hậu quả thảm khốc của cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ gây ra ở Việt Nam; tri ân và tiếp tục kết nối những tấm lòng nhân ái, những nghĩa cử cao đẹp của đồng bào, chiến sỹ cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế trong công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Tại chương trình, khán giả đã được nghe những nạn nhân chất độc da cam chia sẻ những nỗ lực, cố gắng vượt lên số phận để trở thành những người có ích cho xã hội. Trong hoàn cảnh khó khăn, cựu chiến binh Đỗ Hồng Cẩm đã vươn lên trở thành một người làm kinh tế giỏi. Bị dị tật bẩm sinh do chất độc da cam, bằng ý chí và nghị lực hiếm thấy, anh Phan Thành Thương đã vươn lên, tích cực học tập, trở thành “Thầy dạy vi tính” của nhiều trẻ em trong xã.

Khán giả còn được giao lưu với giáo sư-tiến sỹ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Phương Lựu, người đã dành toàn bộ số tiền 200 triệu đồng Giải thưởng Hồ Chí Minh tặng nạn nhân chất độc da cam.

Qua chương trình, khán giả còn được giao lưu với ông Len Aldis, Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Anh-Việt và ông Lee Jong Hyun, Giám đốc Đài Truyền hình MBC Nanum, Hàn Quốc. Là những nhà hoạt động xã hội năng nổ, nhiều năm qua, hai ông đã có nhiều đóng góp trong công tác vận động dư luận quốc tế và nhân dân thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Để góp phần sẻ chia những mất mát, đau thương với các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn,” “Thương người như thể thương thân,” Ban tổ chức chương trình kêu gọi các tổ chức, cá nhân nhắn tin theo cú pháp: DACAM gửi 1409, mỗi tin nhắn ủng hộ nạn nhân 18.000 đồng.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan gửi lời thăm hỏi tới các nạn nhân da cam và gia đình của họ. Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh: Chiến tranh lùi xa, những mất mát vơi dần, nhưng có nỗi đau không vơi đi mà còn nhân lên gấp bội, đó là nỗi đau da cam. Nỗi đau da cam là nỗi đau chung không chỉ của nhân dân Việt Nam mà là thảm họa, là nỗi đau của nhân dân thế giới. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam là việc làm nhân đạo, là tiếng gọi lương tri, trách nhiệm của tất cả mọi người.

Ghi nhận sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam thời gian qua, Phó Chủ tịch nước mong muốn thời gian tới, các nạn nhân chất độc da cam sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự hỗ trợ về vật chất và tinh thần từ các tổ chức, cá nhân để giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam vượt qua sự dày vò của bệnh tật, thiếu thốn về vật chất.

Phó Chủ tịch nước đề nghị Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin cần nêu cao tinh thần chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, là chỗ dựa vững chắc cho các nạn nhân da cam và gia đình của họ, giúp các nạn nhân da cam tại Việt Nam tìm công lý, giúp họ và gia đình có cuộc sống ổn định vượt lên trên số phận, lập nhiều thành tích xuất sắc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trong chương trình, các nghệ sỹ Đoàn Nghệ thuật Quân khu 2 đã biểu diễn những tác phẩm âm nhạc về chủ đề da cam như "Nỗi đau này xin hãy sẻ chia," "Lời ru," "Chiến tranh của mẹ," "Đứa con màu da cam," "Hành trình da cam." Đặc biệt, Chương trình có tiết mục độc tấu đàn bầu "Cung đàn đất nước,” do nghệ sỹ Nguyễn Thanh Tùng, nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ hai trình diễn, đã để lại ấn tượng sâu lắng trong lòng khán giả.

Phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động đã được hưởng ứng mạnh mẽ. Từ ngày 10/8/2011 đến 10/8/2012, đồng bào, chiến sỹ cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế đã ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam gần 134 tỷ đồng.

Số tiền trên đã được sử dụng để xây dựng 18 trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy nghề, 549 nhà tình nghĩa, tình thương; trao 809 suất học bổng; trợ giúp 286 người tìm việc làm; trợ cấp 62.858 người khám chữa bệnh, có vốn sản xuất.

Tại chương trình, Ban Tổ chức đã trao Bằng tri ân Tấm lòng vàng vì nạn nhân chất độc da cam cho các tổ chức, cá nhân, có nhiều đóng góp tích cực trong hoạt động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam./.

Khiếu Tư (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục