Suy thoái sâu hơn?

Tây Ban Nha có thể suy thoái sâu hơn trong 2013

Bộ trưởng kinh tế Tây Ban Nha cho hay kinh tế nước này sẽ giảm 1-1,5% trong 2013, trước khi có thể "quay đầu" tăng "nhẹ" trong 2014.
Trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên Tạp chí Phố Wall, Bộ trưởng kinh tế Tây Ban Nha Luis de Guindos cho hay kinh tế Tây Ban Nha sẽ giảm 1-1,5% trong năm 2013, mạnh hơn mức giảm 0,5% theo dự báo chính thức của chính phủ nước này, trước khi có thể "quay đầu" tăng trưởng "nhẹ" trong năm 2014.

Trong năm 2012, nền kinh tế lớn thứ tư Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã giảm 1,37%, do nước này vẫn chưa thoát khỏi những tác động của việc thị trường bất động sản sụp đổ hồi năm 2008.

Ngân hàng trung ương Tây Ban Nha, Ủy ban châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế "xứ sở bò tót" năm 2013 sẽ giảm 1,4-1,6%.

Ngân hàng trung ương Tây Ban Nha ngày 23/4 cho hay kinh tế nước này tiếp tục suy thoái khi tăng trưởng GDP giảm 0,5% trong quý 1/2013, do nhu cầu trong nước yếu đi. Kết quả này cũng trùng khớp với dự báo của Bộ trưởng de Guindos hồi đầu tháng này rằng kinh tế Tây Ban Nha giảm 0,5-0,6% trong quý 1/2013.

Chính phủ Thủ tướng Tây Ban Nha, Mariano Rajoy, vào cuối tuần này sẽ công bố gói các biện pháp cải cách mới để phục hồi nền kinh tế, đồng thời đưa ra những dự báo mới về thâm hụt ngân sách trong vài năm tới.

Thâm hụt ngân sách của Tây Ban Nha năm 2012 lên tới 10,6% GDP, mức cao nhất trong Eurozone, trong đó có tính đến chi phí tái cấp vốn cho những ngân hàng trong nước đang nợ nần chồng chất.

Chính phủ Tây Ban Nha hồi cuối tháng 3/2013 nói rằng không tính đến chi phí tái cấp vốn cho các ngân hàng nói trên, thâm hụt ngân sách của nước này trong năm 2012 chỉ ở mức 6,98% GDP.

Tây Ban Nha đã nhất trí giảm thâm hụt ngân sách xuống 4,5% GDP năm 2013 và 2,8% GDP năm 2014. Tuy nhiên, nền kinh tế này đang thương lượng với Liên minh châu Âu (EU) để có thể nới lỏng mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách này lên mức 6% GDP, đồng thời lùi thời hạn phải tuân thủ các điều khoản của Hiệp ước Maastricht của EU tới năm 2016, theo đó thâm hụt ngân sách của các nước thành viên không được vượt quá ngưỡng 3% GDP và nợ công không vượt mức 60% GDP.

Giới phân tích nhận định điều này sẽ cho phép Chính phủ Tây Ban Nha giảm bớt các biện pháp khắc khổ vốn bị chỉ trích là nguyên nhân đẩy nền kinh tế lớn thứ tư Eurozone vào suy thoái.

Bộ trưởng kinh tế de Guindos cho hay gói các biện pháp cải cách mới theo kế hoạch công bố vào ngày 26/4 tới sẽ không bao gồm bất kỳ biện pháp khắc khổ lớn nào. Ông nhấn mạnh điều mà Chính phủ Tây Ban Nha sẽ làm vào thời điểm này là tạo lập sự cân bằng tốt hơn giữa giảm thâm hụt ngân sách và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mối quan ngại chủ yếu của các nhà đầu tư hiện nay chính là tăng trưởng kinh tế.

Trong đợt bán đấu giá trái phiếu ngày 23/4, Tây Ban Nha đã huy động được 3,01 tỷ euro (3,93 tỷ USD) với chi phí đi vay giảm từ 0,285% (trong cuộc bán đấu giá ngày 19/3) xuống 0,12% đối với trái phiếu kỳ hạn ba tháng và từ 1,007% xuống 0,787% đối với trái phiếu kỳ hạn chín tháng. Điều này cho thấy các nhà đầu tư đã bớt quan ngại về khả năng trả nợ của "xứ sở bò tót"./.

Như Mai (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục