Điện Biên: Nhiều di tích biến thành điểm “hút chích”

Do quản lý lỏng lẻo, tệ nạn xã hội đã làm mất đi những nét đẹp của di tích lịch sử ở Điện Biên, biến những nơi này thành tụ điểm tiêm chích.
Điện Biên là tỉnh giàu tiềm năng du lịch, đặc biệt là du lịch lịch sử gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954. Thế nhưng, hiện nay do công tác quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng, tệ nạn xã hội đã làm mất đi những nét đẹp vốn có của di tích lịch sử nơi đây, biến những điểm di tích thành tụ điểm tiêm chích ma túy. Tràn ngập bơm kim tiêm Theo thống kê của ngành du lịch tỉnh Điện Biên, quần thể Khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ có tổng cộng 40 điểm, riêng khu vực lòng chảo Mường Thanh có đến gần 30 điểm di tích. Đây là những di tích mang ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn không những đối với nhân dân Việt Nam mà còn cả với quốc tế. Nếu chính quyền địa phương khai thác có hiệu quả thì di tích lịch sử sẽ mang lại nguồn lợi rất lớn từ việc phát triển du lịch. Thế nhưng thực trạng hiện nay của nhiều điểm di tích trên địa bàn tỉnh Điện Biên lại rất đáng lo ngại. Con đường đi vào Đài quan sát Noong Bua, điểm di tích thuộc phường Noong Bua heo hút đến rợn da gà dù cách đó chưa đầy trăm mét là khu dân cư. Đường không được tu bổ sửa chữa nên đá lổm nhổm, cây cối hai bên um tùm, bậc thang đi lên Đài quan sát xuống cấp nghiêm trọng. Điều khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên là trên những bậc thang lịch sử ấy lại rải rác những… bơm kim tiêm. Khu di tích này là một tụ điểm tập hợp rất đông các đối tượng nghiện ngập chích hút, chủ yếu là vào ban đêm. Bên lối đi là những bãi đất trống tập hợp bơm kim tiêm, bao cao su,…có những cây thông cũng được “tiêm chích”, khi đầy rẫy những bơm kim tiêm cắm đầy thân cây, hậu quả của những lần phê thuốc mà dân nghiện cắm lên đó. Có những bơm kim tiêm còn rất mới, như chỉ mới được chích từ tối hôm qua. Đa số các bơm kim tiêm đều không được đậy nắp vứt lung tung dọc lối đi lên di tích. Nếu đi không cẩn thận, người dân và khách du lịch rất dễ dính phải, hậu quả khôn lường. Chờ đợi một lúc lâu trên con đường đi lên Đài quan sát Noong Bua, chúng tôi mới thấy một người đi qua. Đó là bà Bùi Thị Liên, sinh sống tại Tổ dân phố 21, phường Noong Bua đi nhặt củi. Bà cho biết khu di tích này rất vắng người qua lại, bản thân bà là những người dân sống nơi đây cũng ít lên trên đó chỉ vì nạn tiêm chích ma túy. Bà cho biết trên địa bàn thanh niên nghiện ngập rất nhiều, vào buổi tối chúng thường tụ tập nhau lên con đường này để tiêm chích. Mỗi lần những người dân muốn lên thăm Đài quan sát, phải đi ủng dày và bên trong còn độn thêm lớp cao su dày vì sợ dẫm phải bơm kim tiêm. Dù nằm ngay ở khu dân cư và hai bên con đường Phan Đình Giót rộng rãi, sạch sẽ nhưng số phận của hai Khu di tích đồi C1 và C2 cũng chẳng khá hơn là mấy so với Đài quan sát Noong Bua. Con đường đi lên hai khu di tích đầy cành cây, lá rụng, chữ C1 bằng bê tông do lâu không được tu dưỡng nên rêu phủ, rạn nứt, gạch lát ở nền bia ghi chép bị nứt, vỡ, lật tung lên. Trên nền vất đầy vỏ bao, mẩu thuốc lá, vỏ chai nước, thậm chí cả…vỏ chăn. Xung quanh đầy rẫy những vỏ bao và bơm kim tiêm. Chúng tôi thấy lo sợ vô cùng khi thấy cảnh những em học sinh cấp 2 chân đi dép lê tung tăng lên khu di tích chụp ảnh kỷ niệm. Chỉ chút sơ ý hay do thiếu may mắn là các em có thể sẽ bị dẫm phải những “cái gai” mà vô tình không hề hay biết tác hại của nó, để rồi phải xót xa hối hận cả cuộc đời. Tại công trình Tượng đài kéo pháo với số vốn đầu tư lên tới 14 tỷ đồng, Cụm tượng đài lớn nhất Việt Nam được làm bằng đá xanh Thanh Hóa, phác họa hình ảnh 29 chiến sĩ lực lượng pháo binh kéo khẩu pháo 105 ly xuyên rừng, vượt dốc vào trận. Đây là công trình di tích cửa ngõ đi vào thành phố Điện Biên Phủ. Thế nhưng vẫn ở tình trạng bỏ không, ai muốn ra vào tùy ý, thậm chí cỏ lát được đầu tư với số tiền rất lớn nay biến thành…thức ăn cho dê. Khung cảnh Khu tưởng niệm trở nên hoang tàn, xơ xác. Cần đẩy mạnh công tác bảo vệ và trùng tu di tích
Thời gian này là thời điểm bắt đầu cho mùa du lịch của tỉnh Điện Biên hướng tới tháng 5 lịch sử, lượng khách du lịch vào Điện Biên ngày càng tăng. Bởi vậy công tác bảo vệ và tồn tạo di tích càng trở nên vô cùng quan trọng và bức thiết. Những điểm di tích chiến thắng Điện Biên Phủ ở nơi đây là bộ mặt của lịch sử với giá trị giáo dục rất lớn. Thế nhưng sẽ đọng lại gì trong lòng khách du lịch? Những cựu chiến binh thăm lại chiến trường xưa với bao hào khí, du khách trẻ sẽ được giáo dục ra sao khi đến đây cảnh tượng mà họ thấy đầu tiên là những bơm kim tiêm? Đó là chưa kể đến nguy cơ dính phải “nọc độc” từ những thứ đó. Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Nam Hải, Giám đốc Bảo tàng Điện Biên Phủ cho biết: “Vấn đề tôn tạo di tích gặp nhiều khó khăn vì tư liệu lịch sử còn rất ít, các nhân chứng lịch sử còn sống cũng không nhiều, nguồn kinh phí hạn hẹp nên đầu tư chưa được đồng bộ và các điểm di tích nằm rải rác, xen kẽ giữa các khu dân cư nên khó khăn trong việc bảo vệ...” Theo ông Hải thì đa số người dân đều có ý thức trong việc bảo vệ di tích lịch sử. Tuy nhiên một số đối tượng nghiện hút vẫn còn vào các điểm di tích để phá hoại, có người dân vẫn thiếu ý thức và đổ rác trong các điểm di tích. Trong thời gian sắp tới, phía cơ quan chức năng sẽ đề nghị các ngành các cấp tăng cường công tác bảo vệ, tuyên truyền cho người dân để bảo vệ di tích. “Chúng tôi đã kết hợp với nhà trường giáo dục cho học sinh để cùng nhau bảo vệ các điểm di tích tốt hơn. Trong thời gian tới sẽ tăng công tác giáo dục tuyên truyền với mọi người để hiểu rõ di tích chiến trường Điện Biên Phủ, cùng nhau gìn giữ cho mai sau.” Không thể phủ nhận di tích chiến dịch Điện Biên Phủ là điểm đến giàu giá trị lịch sử, giá trị giáo dục. Nhưng sự thiếu quan tâm của các cơ quan chức năng trong công tác quản lý và trùng tu di tích đã dẫn đến hiện trạng xuống cấp của nhiều điểm di tích. Đau xót hơn khi những nơi thiêng liêng ấy lại biến thành tụ điểm tệ nạn xã hội. Thực tế đó, các cơ quan chức năng và tầng lớp trên địa bàn cần đẩy mạnh công tác bảo vệ và sửa chữa các điểm di tích khi Kỷ niệm 59 năm chiến thắng Điện Biên Phủ sắp đến, để không mất đi ấn tượng đẹp đẽ về Điện Biên lịch sử trong lòng du khách thập phương./.

Gia súc thả rông trong khuôn viên di tích Tượng đài kéo pháo.

Nhiều loại rác thải trên di tích đồi C2.

Sự bong tróc tại biển chỉ dẫn di tích Đài quan sát Noong Bua.

Song Xuân (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục