Binh nhì trong vụ WikiLeaks có thể được giảm án

Nghi can vụ WikiLeaks Bradley Manning có thể được giảm án 112 ngày vì binh nhì này bị đối xử thô bạo trong một trại giam quân đội.
Thẩm phán Mỹ ngày 8/1 đã giảm mức án có thể tuyên với nghi can vụ WikiLeaks Bradley Manning 112 ngày vì binh nhì này đã bị đối xử thô bạo trong một trại giam quân đội, nơi Bradley bị biệt giam bất chấp lời khuyên của các chuyên gia tâm lý.

Thẩm phán Denise Lind nói việc giam giữ Manning tình trạng “cực đoan” và đôi khi vi phạm pháp luật đã vượt ra ngoài yêu cầu đảm bảo an ninh và ngăn ngừa anh tự sát. Nhưng thẩm phán bác bỏ yêu cầu của luật sư bên bị yêu cầu hủy mọi truy tố chống lại Manning chỉ vì chín tháng giam giữ anh ở nhà tù của thủy quân lục chiến Mỹ tại Quantico, Virginia.

Phán quyết này mở đường cho một phiên tòa vào tháng Ba mà binh nhì Manning sẽ bị xét xử với cáo buộc “giúp đỡ kẻ thù” khi chuyển một lượng lớn tài liệu của chính phủ Mỹ cho trang web WikiLeaks.

Luật sư bên bị David Coombs cho rằng tòa nên hủy tất cả cáo buộc nhắm vào Manning do anh bị đối xử bất hợp pháp ở nhà tù Quantico, nơi Manning bị biệt giam 23 giờ mỗi ngày, bị giám sát tự tử chặt chẽ và phải ngủ trong cảnh trần truồng. Các công tố viên nói các biện pháp này cần thiết để ngăn Manning tự sát.

[Nghi can vụ WikiLeaks đã nhiều lần muốn tự sát] 

Thẩm phán thừa nhận ngăn tù nhân tự sát là lợi ích hợp pháp của chính phủ Mỹ, nhưng ra phán quyết rằng những nhà chức trách tại trại giam Quantico không nên đối xử quá khắc nghiệt với Manning như vậy sau khi đã nhận được các lời tư vấn từ những chuyên gia tâm lý quân đội rằng anh sẽ không tự sát.

Nếu bị tuyên có tội với 22 cáo buộc, Manning sẽ được trừ bớt thời gian thụ án vì những đối xử với anh ở Quantico, mức giảm trừ với mức án có thể tuyên sẽ là 112 ngày, theo bà Lind.

 Nhưng thẩm phán nói việc đối xử với Manning ở Quantico không thể là lý do bác bỏ lệnh truy tố của bên công tố vì “những cáo buộc trong vụ này là rất nghiêm trọng”.

Binh nhì 25 tuổi này bị bắt tháng 5/2010 sau khi làm chuyên viên phân tích thông tin tình báo cho quân đội Mỹ ở Baghdad và bị truy tố vì vụ tiết lộ tài liệu mật lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Manning đầu tiên bị đưa sang một nhà tù của Mỹ ở Kuwait, trước khi được chuyển về Quantio tháng 7/2010. Sau 9 tháng trong trại giam, tháng 4/2011, anh được chuyển tới nhà tù của lục quân Mỹ ở căn cứ Leavenworth, Kansas, nơi điều kiện giam giữ đã được nới lỏng.

Nếu bị tuyên có tội, anh có thể phải ngồi tù suốt đời. Đã xuất hiện một mạng lưới ủng hộ Manning ở Mỹ coi đây là một vụ xét xử mang tính chính trị.

 “Khoảng thời gian 112 ngày miễn trừ chẳng là gì so với 150 năm trong tù ở bản án mà anh ấy có thể phải nhận”, mạng lưới nói trong một tuyên bố. “112 ngày là không đủ để giải thích cho trách nhiệm của quân đội vì những hành vi của họ”.

Trước tòa, luật sư bên bị và các công tố viên đã tranh cãi gay gắt về câu hỏi liệu việc tiết lộ tài liệu của Manning có gây ra nguy hại cho nước Mỹ hay không.

 “Anh ta biết rằng những tài liệu này có thể được đăng tải lên internet và lọt vào tay những kẻ thù của nước Mỹ”, công tố viên quân đội, đại úy Angel Overgaard, khẳng định.

Coombs thì nói vụ Manning là chưa có tiền lệ vì thường nhà chức trách Mỹ chỉ truy tố các binh sĩ hay nhân viên chính phủ chuyển trực tiếp tài liệu mật cho kẻ thù, chứ không phải những người tuồn thông tin mật cho các hãng tin hay trang web công cộng./.

Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục