Việt Nam tham gia vào liên minh các nền văn minh

Ngày 28/9, bên lề Đại Hội Đồng Liên hợp quốc, Việt Nam đã chính thức được kết nạp làm thành viên của Liên minh các nền văn minh.
Ngày 28/9, bên lề Đại Hội Đồng Liên hợp quốc khóa 65, Nhóm Bạn bè của Liên minh các nền văn minh thuộc Liên hợp quốc (UNAOC) đã họp Hội nghị cấp Bộ trưởng nhằm kiểm điểm hoạt động của UNAOC trong 4 tháng qua kể từ Diễn đàn lần thứ ba tại Rio de Janeiro, Brazil, và bàn thảo công tác chuẩn bị cho Diễn đàn Doha năm 2011.

Tại hội nghị, nguyên Tổng thống Bồ Đào Nha Jorge Sampaio, Đại diện cấp cao UNAOC đã công bố kết nạp Việt Nam làm thành viên của liên minh, chúc mừng Việt Nam nhân sự kiện này, đồng thời đề nghị Việt Nam tham gia tích cực vào sinh hoạt của tổ chức, xứng đáng với vị trí ngày càng quan trọng của đất nước.

Phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ Bùi Thế Giang, Phó trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, bày tỏ đánh giá cao nỗ lực của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, Đại diện cấp cao UNAOC và các quốc gia, tổ chức thành viên trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại giữa các nhóm nước, tạo dựng các mạng lưới và quan hệ đối tác trong 5 năm qua kể từ khi thành lập.

Đại sứ nêu rõ trong lịch sử lâu dài của mình, Việt Nam đã đối phó thành công với nhiều âm mưu gây chia rẽ dân tộc, do đó hiểu rõ cái giá phải trả cho xô xát văn hóa, mâu thuẫn dân tộc và xung đột tôn giáo.

Đại sứ cho rằng với việc trở thành thành viên UNAOC, Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội học hỏi từ nền văn hóa phong phú của các dân tộc khác, đồng thời chia sẻ những bài học kinh nghiệm của đất nước mình trong quá trình dựng nước và phát triển và cùng chung tay với bạn bè phấn đấu vì hòa hợp và hợp tác.

Đại sứ Bùi Thế Giang cam kết Việt Nam sẽ làm hết sức mình nhằm thúc đẩy đối thoại giữa các nền văn hóa, các tôn giáo và các nền văn mình, vì hòa bình, hợp tác và phát triển, hướng tới phương châm của UNAOC là “Nhiều văn hóa. Một nhân loại.”

UNAOC được thành lập năm 2005 theo sáng kiến của Chính phủ Bồ Đào Nha và Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhằm góp phần thúc đẩy đổi thoại và hợp tác giữa các nền văn hóa, văn minh và tôn giáo, chống lại các thế lực kích động chủ nghĩa cực đoan và phân cực. Từ năm 2007, ông Jorge Sampaio được Tổng thư ký Liên hợp quốc bổ nhiệm làm Đại diện cấp cao của liên minh này.

Trong khuôn khổ của UNAOC, Nhóm Bạn bè của UNAOC được hình thành, với 122 thành viên là các quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế, khu vực.

Cũng bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 65, dưới sự đồng chủ trì của Ngoại trưởng Sri Lanka và Ngoại trưởng Iran, Nhóm Đối thoại Hợp tác châu Á (ACD) đã họp Hội nghị cấp bộ trưởng. Các đại biểu tham dự Hội nghị đã nêu ‎bật vai trò của ACD trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác đa dạng về kinh tế, thương mại, công nghệ, nâng cao khả năng gìn giữ hòa bình, giải quyết tranh chấp, hài hòa các khác biệt trong khu vực.

Các đại biểu cũng thảo luận việc chuẩn bị cho Diễn đàn ACD lần thứ 9 tại Tehran (Iran) sẽ diễn ra vào các ngày 8 và 9/11 tới dưới chủ đề “Tiến tới một châu Á đoàn kết và toàn vẹn, thúc đẩy hòa bình, công lý và thịnh vượng."

Phát biểu tại hội nghị này, Đại sứ Bùi Thế Giang tuyên bố Việt Nam ủng hộ việc tổ chức Diễn đàn ACD tại Iran và tán thành chủ đề của Diễn đàn do Iran đề xuất. Đại sứ đánh giá cao những đóng góp tích cực của các thành viên ACD trong việc củng cố tình đoàn kết và tiếng nói của các quốc gia đa dạng về văn hóa, dân tộc và tôn giáo, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường quan hệ hợp tác thiết thực của ACD thông qua các biện pháp và kế hoạch hành động cụ thể, đa dạng hóa hình thức và cơ chế hợp tác, thúc đẩy vai trò của Nhóm Nghiên cứu cao cấp.

Đại sứ nhấn mạnh Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện có kết quả vai trò điều phối viên về giảm nghèo và phát triển nguồn nhân lực trong khuôn khổ ACD, đồng thời, trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy sự hợp tác giữa các thành viên ASEAN cũng như giữa các thành viên ACD nói chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục