Địa đạo Bạch Mã đang xuống cấp nghiêm trọng

Địa đạo Bạch Mã là một vị trí chiến lược quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ đang bị xuống cấp do chịu tác động của thời tiết.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Bạch Mã là nơi có vị trí chiến lược quan trọng, vì vậy, Bộ Tổng tư lệnh đã chỉ đạo Quân khu Trị Thiên đánh chiếm Bạch Mã và hình thành hệ thống địa đạo, góp phần làm chủ thế trận.

Địa đạo Bạch Mã nằm trong Vườn Quốc gia Bạch Mã-Thừa Thiên Huế, gồm có hai hệ thống địa đạo dài hàng trăm mét với chức năng là một "đài quan sát tiền tiêu" do các chiến sĩ Trung đoàn 6 (Quân khu Trị Thiên) tạo nên.

Hiện nay, địa đạo Bạch Mã đang được Ban quản lý Vườn Quốc gia Bạch Mã bảo quản chặt chẽ, tuy nhiên, do tác động bởi thời tiết, cửa hướng Đông Bắc địa đạo số 1 đã bị lấp.

Chính vì thế, Bảo tàng Lịch sử cách mạng Thừa Thiên-Huế đã phối hợp với Vườn Quốc gia Bạch Mã lập dự án khai thông cửa phía Đông Bắc, phát quang khu vực xung quanh, trang bị hệ thống chiếu sáng trong lòng địa đạo, xây dựng biển, bia giới thiệu nội dung, cắm mốc bảo vệ di tích.

Theo các nhân chứng, hệ thống địa đạo Bạch Mã được hình thành trong khoảng từ tháng 10/1973 đến tháng 1/1974. Trong khoảng thời gian đó, lực lượng bộ đội đã chia thành 2 nhóm đào địa đạo dưới đồi sân bay Bạch Mã (địa đạo số 1) và địa đạo dưới chân đồi Vọng Hải Đài (địa đạo số 2).

Đoạn địa đạo nằm dưới chân đồi sân bay Bạch Mã dài khoảng 214m với 3 cửa (2 cửa hướng Nam và 1 cửa hướng Đông Bắc).

Đoạn nằm dưới chân Vọng Hải Đài với 1 cửa hướng Nam dài 10m, từ địa đạo số 1 men theo con đường lát đá lên đồi Vọng Hải Đài chừng 750m, rẽ theo hướng Tây đi vào “con đường khám phá thiên nhiên” khoảng 50m là đến cửa địa đạo số 2...

Địa đạo Bạch Mã vừa được Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia trong tháng 12/2009./.

Quốc Việt (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục