Các nền kinh tế phát triển cùng bắt tay để vượt khó

Hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) vừa diễn ra, dù không đạt được bước đột phá nào song cũng cho thấy sự đồng thuận trong nhiều vấn đề vì mục tiêu cuối cùng là tăng trưởng bền vững của kinh tế toàn cầu. Sau giai đoạn dốc toàn lực cho việc củng cố tài chính thì nay một nhiệm vụ khác cũng quan trọng không kém đã được đặt song song là thúc đẩy tăng trưởng, cho thấy một lối tiếp cận hài hòa hơn trong việc giải quyết tình trạng yếu kém của kinh tế toàn cầu.
Hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) vừa diễn ra, dù không đạt được bước đột phá nào song cũng cho thấy sự đồng thuận trong nhiều vấn đề vì mục tiêu cuối cùng là tăng trưởng bền vững của kinh tế toàn cầu.

Sau giai đoạn dốc toàn lực cho việc củng cố tài chính thì nay một nhiệm vụ khác cũng quan trọng không kém đã được đặt song song là thúc đẩy tăng trưởng, cho thấy một lối tiếp cận hài hòa hơn trong việc giải quyết tình trạng yếu kém của kinh tế toàn cầu.

Đồng thuận vì sự thịnh vượng chung

Các quan chức tài chính tham dự hội nghị đã tái khẳng định rằng thế giới vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong tiến trình đảm bảo sự phục hồi kinh tế bền vững, triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu được cho là còn nhiều khó khăn.

Bao gồm các nền kinh tế phát triển, G7 cam kết góp phần thúc đẩy và đảm bảo sự phục hồi bền vững nhằm mang lại sự thịnh vượng chung. Các quốc gia G7 nhất trí rằng cần phải cải cách cơ cấu để thúc đẩy cạnh tranh tăng trưởng, kể cả các thỏa thuận thương mại mới.

Tranh cãi liên quan tới việc nới lỏng các biện pháp khắc khổ mà Đức, Anh, và Canada tỏ ra thận trọng trong khi Mỹ, Pháp và Italy ủng hộ, cũng ít nhiều làm "nóng" hội nghị, song thái độ của các bên tỏ ra ôn hòa hơn.

Các quan chức tài chính G7 đã thảo luận về tầm quan trọng của việc có được những kế hoạch củng cố tài chính trung hạn đáng tin cậy, được vạch ra cụ thể cho từng quốc gia để đảm bảo nền tài chính công và tăng trưởng ổn định, nhất trí cân đối giữa việc thúc đẩy tăng trưởng và củng cố tài chính. Trước đó, Mỹ đã gây áp lực buộc các quốc gia châu Âu hạ mức cắt giảm chi tiêu trong lúc xuất hiện những lo ngại rằng chính sách này sẽ ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng.

[Lãnh đạo G7 thảo luận kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng]

Tại hội nghị lần này, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso và Thống đốc Ngân hàng Trung ương nước này Haruhiko Kuroda đã có thể thở phào khi các nước G7 khác không công khai chỉ trích chính sách nới lỏng tiền tệ của Nhật Bản, thậm chí cũng không hề tranh luận về việc đồng USD vượt ngưỡng 100 yên ngay trước thềm hội nghị.

Các quan chức tài chính Nhật Bản luôn khẳng định họ phải thực hiện chính sách tiền tệ cực lỏng như hiện nay chỉ để chấm dứt hai thập niên kinh tế trì trệ vì giảm phát chứ không phải để ghìm giá đồng yên nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho các nhà xuất khẩu.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne, người chủ trì hội nghị, chỉ nhắc lại rằng G7 tái khẳng định lại cam kết đưa ra hồi tháng 2 là các chính sách tài chính và tiền tệ chỉ phục vụ mục tiêu riêng của từng nước và không phải nhằm mục tiêu tỷ giá.

Các quan chức cũng nhất trí theo đuổi các biện pháp trừng phạt các ngân hàng bị sụp đổ, cam kết phải nhanh chóng hoàn thành các quy định để đảm bảo "không có ngân hàng nào quá lớn để không thể cho sụp đổ." Bên cạnh đó, G7 cũng khẳng định tầm quan trọng của sự hợp lực để chống lại tình trạng trốn thuế, ưu tiên hàng đầu mà Anh đặt ra trong nhiệm kỳ Chủ tịch G7.

Nới lỏng chính sách tiền tệ vẫn là dao hai lưỡi

Tại hội nghị vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne đề nghị những người đồng cấp tập trung vào vấn đề các ngân hàng trung ương có thể làm gì hơn nữa để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong lúc hầu hết các chính phủ đang nỗ lực cắt giảm chi tiêu và tăng thuế.

Trong những tuần gần đây, các ngân hàng đã hành động nhiều hơn vì mục tiêu này. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục mới và có thể thúc đẩy hoạt động cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Ngân hàng trung ương Nhật Bản mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa để vực dậy tăng trưởng kinh tế. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục chương trình mua trái phiếu. Ngân hàng Trung ương Anh ngày 9/5 đã quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ hiện hành, sau khi mở rộng chương trình tín dụng gần đây.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Canada Jim Flaherty trước cuộc họp cho rằng việc dư thừa nguồn vốn trong nền kinh tế thế giới có thể làm tăng lạm pháp, thổi phồng bong bóng tài sản và lại gây ra tình trạng hỗn loạn, và lưu ý rằng kinh nghiệm cho thấy một trong những dấu hiệu trước cuộc khủng hoảng 2008-2009 là có quá nhiều nguồn vốn dư thừa trong các nền kinh tế.

Các quan chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng cảnh báo việc nới nỏng tiền tệ chưa từng có đang tạo ra những dòng chảy tiền mặt lớn trên thị trường thế giới và điều này có thể dẫn đến nguy cơ bong bóng tài sản tại một số thị trường mới nổi. Bong bóng tài sản đang ngày một tăng lên và nếu không được kiểm soát, có thể xảy ra một sự bùng nổ nghiêm trọng.

Với FED, ngân hàng này đang trong thế tiến thoái lưỡng nan giữa việc quyết định tiếp tục hay dừng chính sách tiền tệ nới lỏng khi cân nhắc tới những tác động của những quyết định như vậy đối với nền kinh tế và hệ thống tài chính.

Việc FED dừng chính sách tiền tệ nới lỏng là điều nguy hiểm bởi việc dừng quá nhanh sẽ làm sụp đổ nền kinh tế thực vốn vẫn yếu, trong khi việc rút quá chậm trước tiên sẽ tạo ra một bong bóng lớn và sau đó làm sụp đổ hệ thống tài chính, bởi việc FED bơm tiền mặt không tạo ra tín dụng cho nền kinh tế thực mà chỉ làm tăng thêm sức hấp dẫn của các tài sản rủi ro.

Vấn đề là các ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế phát triển sẽ chỉ duy trì được mức lãi suất thấp đến một lúc nào đó, bởi hạ lãi suất không phải là chìa khóa cho mọi vấn đề. Các ngân hàng sẽ phải nghĩ đến các giải pháp mới, các công cụ mới.

ECB đang xem xét việc hỗ trợ cho vay đối với các SME, bộ phận doanh nghiệp có thể giúp hạ tỷ lệ thất nghiệp ở Eurozone và cân nhắc việc mua trái phiếu được bảo đảm bằng tài sản như một cách trợ giúp cho các doanh nghiệp này.

Bức tranh phục hồi nhiều màu

Một loạt các số liệu công bố tuần này sẽ vẽ nên một bức tranh nhiều màu về kinh tế toàn cầu, khi việc thắt lưng buộc bụng đang tiếp tục làm suy yếu hoạt động kinh tế ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), trong khi các chính sách táo bạo đang giúp kích thích tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản.

Các báo cáo từ Mỹ được dự đoán là sẽ cho thấy động lực tăng trưởng yếu hơn vào đầu quý II và triển vọng của kinh tế Trung Quốc cũng không thể thay đổi nhiều. Ruth Stroppiana, nhà kinh tế quốc tế trưởng ở Moody's Analytics tại Sydney nhận định tăng trưởng kinh tế của toàn cầu sẽ còn yếu kém hơn nữa trong quý II, chủ yếu do chính sách tài chính khắc khổ ở Mỹ và châu Âu.

Theo điều tra của Reuters, số liệu sơ bộ có thể chỉ ra rằng GDP của Eurozone giảm 0,1% trong quý I/2013, sau khi giảm 0,6% trong quý IV/2012. Sự cải thiện này chủ yếu là nhờ sự tăng trưởng trở lại của kinh tế Đức, bù đắp cho sự suy giảm ở Pháp và Italy.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở Eurozone trong tháng 3 đã chạm mức kỷ lục mới là 12,1%, khi số người thất nghiệp lên đến 19,2 triệu người. Những con số này được đưa ra vào lúc có những chỉ trích mạnh mẽ về tác động của các biện pháp khắc khổ đối với thị trường việc làm.

Trong khi Eurozone đang nỗ lực để thoát khỏi suy thoái, kinh tế Nhật Bản dự kiến sẽ khá hơn sau khi èo uột trong quý IV năm ngoái, nhờ một phần vào quyết tâm của chính phủ trong việc chấm dứt hai thập kỷ giảm phát.

Các nhà kinh tế của Barclays ở Tokyo cũng cho rằng triển vọng lạc quan hơn của kinh tế Nhật Bản là nhờ người tiêu dùng và doanh nghiệp tăng cường chi tiêu trước khi thuế giá trị gia tăng tăng lên. Theo dự báo, kinh tế Nhật Bản có thể tăng 0,7% so với quý trước.

Nhà kinh tế trưởng của Barclays tại Nhật Bản Kyohei Morita cho rằng tăng trưởng GDP thực của nước này sẽ tăng, khi các dấu hiệu ban đầu cho thấy chi tiêu tiêu dùng vẫn ổn định trong quý II.

Tại Mỹ, bức tranh không được sáng sủa như vậy, bởi trong khi có những biểu hiện về sự phục hồi ổn định của thị trường việc làm trong bối cảnh ngân sách bị cắt giảm, các lĩnh vực khác của nền kinh tế lại đang có những khó khăn.

Doanh số bán lẻ tăng nhẹ trong tháng 4, song khi tăng trưởng lương thấp và tốc độ tiết kiệm chậm lại, mức tăng chi tiêu tiêu dùng sẽ bị hạn chế, dù giá nhà tăng ở mức hai con số và giá chứng khoán cao kỷ lục.

Trong khi đó, hoạt động sản xuất cũng không trợ giúp được nhiều cho nền kinh tế, khi sản lượng công nghiệp có thể ở mức khiêm tốn trong tháng 4, do sản lượng chế tạo không tăng.

Với Trung Quốc, không có nhiều thay đổi với triển vọng kinh tế của nước này, sau khi tăng trưởng lại giảm trong quý I. Doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng trước tăng 12,8%, đúng như dự báo, cao hơn không đáng kể so với mức tăng 12,6% của tháng 3.

Trong khi đó, sản lượng công nghiệp tăng 9,3% trong tháng 4, cao hơn so với mức tăng trưởng tương ứng 8,9% của tháng 3, song vẫn thấp hơn mức dự báo 9,5% của giới phân tích./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục