Y Moan - Đưa cao nguyên bao la đến với khán giả

Dù không là “sao” theo xu thế đương thời, ca sĩ Y Moan vẫn là người được chờ đợi nhất, là linh hồn của đêm nhạc Nguyễn Cường "Tiếng đại ngàn".
Không trẻ trung, không là “ngôi sao” theo xu hướng đương thời, nhưng Y Moan được chờ đợi nhất, là cái đinh, linh hồn của "Tiếng đại ngàn" - đêm nhạc Nguyễn Cường 24/7 vừa qua.

“Cao nguyên ơi, tôi đến với Cao nguyên đây” - đóng khố, mặc thổ cẩm, ôm guitar, chân đất bước ra sân khấu, Y Moan đã truyền xúc động tới toàn bộ khán giả. Trong yên lặng tuyệt đối của niềm xúc cảm, Nhà hát Lớn Hà Nội hóa thành Cao nguyên bao la, qua tiếng hát Y Moan “Ơi! M’Đrak”.

Mãi không thể quên giọng hát sang, khỏe, tình cảm, vạm vỡ như xuyên đại ngàn, ào suối thác, vươn núi cao hùng vĩ. Tiếng hát không thể nhân bản, lặp lại, đã hằn sâu tâm trí nhiều người, tài sản quý của cuộc đời anh, một ca sĩ đã thành báu vật của buôn làng, dân tộc mình.

Người hát tình yêu trên Cao nguyên

Y Moan đã đạt tới đỉnh cao nghề nghiệp của mình. Nhà hát Lớn hay giữa buôn làng, tại nước ngoài xa hoa hay nhà sàn bếp lửa, Y Moan vẫn hát như nước nguồn, gió rừng, mặt trời phải sáng. Hát như sống, thật bụng, nhân hậu, định mệnh của Yàng (Trời) trao cho.

Là con trưởng của đàn con 12 người, sống tại huyện M’Drak (cách Buôn Ma Thuột 100km), làm tất mọi việc ruộng rẫy nặng nhọc để gánh vác cùng cha mẹ nuôi đàn em, Y Moan coi tiếng hát là nguồn an ủi, thăng hoa, phần thưởng cho chính mình, những người thân; đồng bào anh đón chờ, say mê múa hát, hồn nhiên vượt qua những tháng năm vất vả. Đất nước thống nhất, Y Moan với giọng hát giàu nhạc cảm, khỏe hiếm có, được tuyển vào đoàn văn công Đăk Lăk.

Rời M’Drak, anh về thị xã, bắt đầu làm “cán bộ Nhà nước”. 22 tuổi, tình yêu đến, một cô gái trẻ gốc Thái Bình vào Tây Nguyên kinh tế mới đem lòng thương Moan. Họ lấy nhau, ở căn phòng tập thể của đoàn. Y Moan đem tiếng hát đi đến khắp quê hương, cả nước và “bùng nổ” khi gặp nhạc sĩ Nguyễn Cường, về công tác tại đoàn văn công Đăk Lăk năm 1981.

Nhận thấy tố chất đặc biệt, lòng đam mê âm nhạc của Y Moan, Nguyễn Cường đã dìu dắt, gắn bó, gửi gắm nhiều kiến thức, kinh nghiệm, tác phẩm cho người em, học trò. Chưa hề đến M’Drak, ông viết về nó bằng tình yêu sự sống Cao nguyên, còn Y Moan hát bằng tình cội nguồn cháy bỏng. "Ơi M’Drak" thành dấu ấn đậm nhất trong cuộc đời - sự nghiệp hai người, duyên mệnh của cặp bài trùng nhạc sĩ - ca sĩ. Họ không thể thay thế, không thể thiếu nhau trên hành trình sáng tạo.

Hát quá “tiêu chuẩn” của đoàn

Theo chỉ tiêu, đoàn Ca múa dân tộc Đăk Lăk diễn 120 buổi/ năm, Y Moan - ca sĩ lớn tuổi nhất đoàn, solist không thể thiếu. Ngoài hát, anh còn dạy chuyên môn cho các ca sĩ trẻ, phát hiện và tuyển “hạt giống” cho đoàn; tìm kiếm, sưu tầm bài ca, nhạc cụ.

Y Moan hát quá “tiêu chuẩn” của đoàn, vào mọi buôn làng, hát bất cứ lúc nào khi có yêu cầu, khi người ta ngóng đợi, mến mộ. Anh nghĩ, bà con khổ, chỉ có múa hát là để động viên nhau, động viên chính mình, nên anh không biết từ chối. Hát trong ánh lửa, đèn vàng, khói dầu muội đen cổ họng, ho ra cả máu và... muỗi.

“Bổn phận của nghệ sĩ là phục vụ nhân dân”, anh nghĩ thế, cứ hát đến khi cấp cứu vào viện vì bệnh phổi. Ra viện, lại hát. Tự học, chịu học, Y Moan chơi thành thạo các nhạc cụ dân tộc, đàn goong, prố, sưu tập và giữ gìn dân ca, nhạc cồng chiêng. Anh mua đàn để Y Vol học piano tại trường trung cấp văn hóa nghệ thuật tỉnh, rồi theo học Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Y Vol chơi piano, trống, đã học xong khóa sáng tác. Thầy hiệu trưởng An Thuyên nhận và tạo điều kiện cho nhiều con em dân tộc ít người có năng khiếu nghệ thuật, trong đó duy nhất có 2 anh em ruột cùng theo học là các con trai nghệ sĩ ưu tú Y Moan.

“Không hát, Y Moan về làm rẫy”

Khi không hát anh làm gì?. “Làm rẫy, nghề cũ của chàng” - Y Moan hồn hậu. Nói “không” là những lúc không đi hát, chứ thôi hoặc ngừng... thì còn lâu! Anh yêu nghề lắm. Cha mất từ 1979, đất giao lại nông trường, mẹ và các em đều chuyển về Buôn Ma Thuột, tại M’Đrak chẳng còn ai ở nữa.

Không buôn bán, không có tài sản thừa kế, của hồi môn, năm 1990 vợ chồng nghệ sĩ Y Moan chắt bóp mùa được 4 ha ruộng ở huyện Chư M’Nga, Y Moan thực sự lăn lộn trên mảnh đất của mình, vỡ đất, trồng cây, nuôi con ăn học. Anh bảo, thạo hai nghề: hát và làm rẫy. Nghề gì cũng làm quần quật, không nề hà.

Năm 2001, gia đình Y Moan thoát khỏi nhà tập thể mà anh được phân; muốn tự làm ngôi nhà cho mình, nên anh trả lại cho đoàn. Vợ nội trợ, chồng cặm cụi trồng cà phê, họ mua được miếng đất rộng 15m, dài 40m ở cuối đường Lê Thị Hồng Gấm, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, vốn là buôn Đ’Hăprong. Điện, nước máy đã đầy đủ từ lâu nhưng các bà, các chị vẫn thích ra núi lấy nước nguồn.

Nhiều công trình chọc trời đã mọc, song với các già làng, không gì cao bằng đỉnh thiêng Chư Yangsin chạm mặt trời mỗi sáng. Y Moan xây cả nhà mái bằng lẫn nhà sàn (dài 12m, ngang 6m). Anh còn là chuyên gia nấu rượu cần. Một ché đủ cho 20 người uống ngả nghiêng. Cà phê nhà trồng, đặc thơm say ngất.

Nhấp ngụm càphê đen Hàng Bạc, Y Moan bảo: “Bán cả yến cà phê tươi mới uống được một ly cà phê Hà Nội”. Rồi anh kể, thạo việc trồng cà phê để “ăn” được, là đạt tầm “kỹ sư” rồi. Ba năm ròng sau khi trồng, một cây cà phê cực tốt cho 30 g trái tươi; phơi, bóc vỏ rồi còn 7kg hạt, bán ở ruộng rẫy từ 15-17.000/kg hạt là được giá.

Người Ê đê theo mẫu hệ, Y Moan mang họ mẹ - Enuol. Ngoài rẫy ở Chư M’Nga, Y Moan gieo trồng cho các cháu mình. Y Moan đang chờ ngày Y Garia lấy vợ, rồi bé Đức lấy chồng để có thêm cháu, làm chức ông. Anh sẽ chỉ ở Đắk Lắk, gắn với xứ sở, bằng tình yêu như dòng sông Serepok không khi nào khô cạn.

Thỉnh thoảng, Y Moan phóng mô tô về M’Đrak. Ở đó, những nhà dài vẫn chờ già làng kể khan (sử thi) mỗi tối. Ở đó, cỏ tranh lấp lánh dưới nắng những làn sóng dập dìu. Buôn làng có nhiều suối nhỏ bên núi Chư Jú trẻ trung, núi không lớn lên, không già thêm, núi còn trai tráng. Nhạc sĩ Nguyễn Cường bảo: “Cao trào chỉ gọi Ơi M’Drak!”. Vì khi yêu quá, người ta không thể nói gì hơn ngoài tha thiết gọi tên".

Hát 34 năm chưa có album riêng

Ra Hà Nội 4 ngày, anh toàn lo tập hát cho chương trình của nhạc sĩ Nguyễn Cường, nhưng tối 23/7 đã kịp vượt cầu Chương Dương sang nhà nhạc sĩ Bùi Minh Đạo thu âm một số bài anh hát thành công, “làm kỷ niệm nếu một ngày kia không còn sức nữa”.

Bây giờ Y Moan 55 tuổi. Sẽ có ngày, ông già Y Moan như cha ông mình ngồi bên con cháu, kể khan, kể bằng những bài hát cuộc đời ông đã hát đầy lửa và mộng mơ, như lời ca hôm nào: “Bao nhiêu vì sao đêm đêm về đây, bên cây lửa hồng. Bên tôi, giọng trầm ấm, cha tôi kể khan, mơ Đam San trở về. Tôi mơ bay trong ngàn vì sao, lung linh màu thảo nguyên...”.

Thầm lặng, khiêm nhường, Y Moan không nhận làm bất cứ chức vụ gì, ngoài công việc ca sĩ. Anh có nghiện gì không? “Có, nghiện hát”. Người nghiện hát 34 năm đã thu thanh cho nhiều chương trình trên sóng phát thanh, truyền hình, nhiều album chung, mà vẫn chưa có 1 CD riêng của mình. Không bon chen tham vọng, anh đem tiếng hát đi khắp nơi, sưu tập nhiều lời ca, nhưng lại “quên”mất việc làm 1 album giữ lại tiếng hát thời hoàng kim nhất. Anh muốn sang năm sẽ làm 1 CD thôi, để đời.

Nhà có phòng thu hai năm nay, mà cha con anh chưa ai thu 1 sản phẩm cho mình. “Đã làm là phải hay, ấn tượng, đậm chất Tây Nguyên”. Anh dự định thế từ lâu, mà vẫn chưa thành. Chỉ có núi rừng, sông suối, những ký ức ghi nhớ tiếng hát đắm mê, vang vọng ấy./.
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục