UNICEF: Dành 1,4 tỷ USD hỗ trợ phụ nữ và trẻ em

UNICEF nhận định các thảm họa nhân đạo ngày càng nghiêm trọng, đồng thời đề nghị một khoản chi 1,4 tỷ USD để hỗ trợ trẻ em và phụ nữ.
Ngày 7/3, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) nhận định các thảm họa nhân đạo do xung đột, thiên tai đang ngày càng nghiêm trọng, đồng thời đề nghị một khoản chi 1,4 tỷ USD để hỗ trợ trẻ em và phụ nữ trong các cuộc khủng hoảng này.

Trong Báo cáo hành động nhân đạo cho trẻ em năm 2011 (HAC 2011), UNICEF ước tính trong năm nay sẽ có khoảng 32 quốc gia, vùng lãnh thổ và 6 khu vực cần sự trợ giúp nhân đạo từ bên ngoài.

Các yêu cầu của năm nay cũng tăng 21% so với năm ngoái. UNICEF cho biết trong số 1,4 tỷ USD nói trên, cần 373 triệu USD cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có 296 triệu USD dành cho các hoạt động cứu trợ tại Pakistan.

Haiti cần 157 triệu USD, khiến nhu cầu cứu trợ của khu vực châu Mỹ Latinh và Caribe tăng gấp 8 lần. Yêu cầu trợ giúp của khu vực Trung và Đông Âu và Cộng đồng các quốc gia độc lập cũng tăng do tình hình khó khăn ở Kyrgyzstan và Tajikistan.

Trong khi đó, nhu cầu cứu trợ khu vực Đông và Nam Phi giảm mạnh do tình hình tại Burundi, Eritrea và Uganda được cải thiện. Yêu cầu trợ giúp khu vực Tây Phi, Trung Phi, Bắc Phi và Trung Đông cũng giảm.

UNICEF chỉ ra rằng các cuộc khủng hoảng nhân đạo như hạn hán và xung đột có những hậu quả vô cùng thảm khốc đối với trẻ em như việc tuyển mộ lính trẻ em, bạo lực tình dục và sự thiếu hụt các dịch vụ cơ bản như nước sạch, y tế và giáo dục.

Bên cạnh đó, UNICEF cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường khả năng sẵn sàng và giảm thiểu rủi ro ở các cộng đồng thường xuyên bị khủng hoảng.

HAC 2011 viết: "Cung cấp cho các cộng đồng dễ bị tổn thương những kỹ năng để đối mặt và chống đỡ với rủi ro là một thành phần ngày càng quan trọng trong hành động nhân đạo."

Phó Tổng Giám đốc điều hành UNICEF Hilde Johnson cho rằng: "Đầu tư cho trẻ em và xây dựng khả năng phục hồi của các quốc gia và cộng đồng sinh sống trong áp lực và nguy hiểm không chỉ giúp cắt ngắn con đường phục hồi của họ mà còn giúp họ kiềm chế, ngăn chặn các rủi ro trước khi một cuộc khủng hoảng tấn công và giảm nhẹ những mất mát khi khủng hoảng xảy ra"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục