Ngành mía vùng ĐBSCL chủ động đón mùa mía mới

Niên vụ 2012-2013, toàn ĐBSCL có diện tích mía khoảng 52.000ha, tăng hơn 200ha so với niên vụ trước, ước thu khoảng 3,5 triệu tấn.
Niên vụ 2012-2013, toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích mía khoảng 52.000ha, tăng hơn 200ha so với niên vụ trước, ước thu khoảng 3,5 triệu tấn mía nguyên liệu.

Riêng tỉnh Hậu Giang có diện tích trồng mía lớn nhất với 14.282ha và cũng là địa phương có vùng mía nguyên liệu bị lũ uy hiếp hàng năm cao nhất. Điều đáng nói, phần lớn diện tích mía ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay mới vào 7-8 tháng tuổi, cây mía còn non, chữ đường thấp.

Nếu vào vụ ép sớm sẽ gây thiệt hại lớn cho nông dân và nhà máy cũng không có lợi nhuận. Tuy nhiên, để chủ động chạy lũ cho vùng mía nguyên liệu bị lũ uy hiếp lớn nhất tại Hậu Giang, một số nhà máy đường đang vào vụ ép sớm để tránh lũ cho nông dân.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, năm nay diện tích mía của tỉnh có nguy cơ bị ảnh hưởng lũ vào khoảng 9.000ha (tập trung chủ yếu ở huyện Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy), với sản lượng khoảng 800.000 tấn mía cây phải thu hoạch trước ngày 30/11 để tránh bị thiệt hại.

Với sản lượng mía này, nếu ba nhà máy trên địa bàn tỉnh (gồm nhà máy đường Long Mỹ Phát và 2 nhà máy của Casuco là Phụng Hiệp, Vị Thanh) phải chạy hết công suất trong thời gian 100 ngày mới giải quyết xong.

Ông Lê Văn Đời – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang cho biết, năm nay tỉnh tập trung quyết liệt để đảm bảo an toàn cho 5.000ha mía nguyên liệu Phụng Hiệp, chủ trương của tỉnh cho phép các nhà máy đường đi vào hoạt động sớm hơn niên vụ trước một tháng để các nhà máy có đủ thời gian tiêu thụ hết diện tích mía ngập lũ cho nông dân.

Theo đúng lịch là 20/8 đi vào hoạt động nhưng do nhu cầu bức xúc của người dân nên có một nhà máy đường là Long Mỹ Phát đã chính thức đi vào hoạt động vào ngày 15/8, tiếp theo là hai nhà máy đường Phụng Hiệp (20/8) và nhà máy đường Vị Thanh (25/8) đã đi vào hoạt động.

Sở dĩ ngành đề xuất phương án cho các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh vào vụ sớm là do năm ngoái lũ ngập sâu, nông dân không trồng lúa trên liếp mía nên có thời gian xuống giống mía sớm hơn mọi năm khoảng một tháng. Khi vào vụ từ đầu tháng 9 thì lượng mía chạy lũ ở Hậu Giang sẽ cần các nhà máy đường trong vùng tiêu thụ tiếp khoảng 300.000 tấn mía cây để hỗ trợ Hậu Giang tùy mức độ lũ về sớm hay muộn.

Cùng với việc cho các nhà máy đường đi vào hoạt động sớm, Hậu Giang cũng đầu tư 153 tỷ đồng để lập đê bao bảo vệ cho vùng mía nguyên liệu đóng góp rất lớn cho các nhà máy đường. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau nên đến nay đê bao vẫn chưa hoàn thành, hàng ngàn hecta mía tới đây tiếp tục bị lũ đe dọa.

Theo ông Lê Văn Đời, vùng có khả năng bị ảnh hưởng lũ nặng nhất khoảng 2.700ha thì sẽ cho thi công trước để vừa đảm bảo đê bao vừa giúp bà con thu hoạch đạt theo yêu cầu, không ảnh hưởng do lũ.

Trước mắt, các công trình đã thực hiện được khoảng 40%, vùng còn lại bị vướng mía chưa thu hoạch nên chưa thể triển khai.

“Nếu vùng đê bao khép kín 5.000 ha của Phụng Hiệp hoàn thành thì vùng nguyên liệu này sẽ là vùng mía chuyên canh, người dân không vất vả như bây giờ vì hàng năm sau khi thu hoạch mía phải chuyển qua trồng lúa và như vậy chi phí để đầu tư lại cho trồng mía rất tốn kém. Do đó, khi vùng đê bao khép kín hoàn thành, hình thành vùng nguyên liệu ổn định rồi thì nông dân sẽ không đốn gốc mà để lưu gốc, chi phí ổn định, hiệu quả sẽ cao hơn nhiều”, ông Đời cho biết./.

Việt Âu (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục