Mỹ đóng cửa thêm 5 ngân hàng trong tuần qua

Mỹ đã phải đóng cửa thêm 5 ngân hàng cuối tuần qua, nâng số ngân hàng bị đóng cửa trong ba tuần đầu của năm 2010 lên con số 9.
Mỹ đã phải đóng cửa thêm 5 ngân hàng cuối tuần qua, nâng số ngân hàng bị đóng cửa trong ba tuần đầu của năm 2010 lên con số 9.

Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) tiếp quản cả 5 ngân hàng, trong đó lớn nhất là ngân hàng Charter Bank, có trụ sở tại bang New Mexico, với tổng tài sản trị giá 1,2 tỷ USD và khoản tiền gửi của khách hàng là 851,5 triệu USD.

Đứng ngay sau Charter Bank về quy mô là ngân hàng Columbia River Bank, có trụ sở tại bang Oregon, với tài sản trị giá 1,1 tỷ USD và tiền gửi lên tới 1 tỷ USD.

Hai ngân hàng nhỏ hơn là Evergreen Bank, có trụ sở tại bang Washington, tài sản trị giá 488,5 triệu USD và tiền gửi là 439,4 triệu USD; và Premier American Bank tại bang Florida với tài sản trị giá 350,9 triệu USD và tiền gửi 326,3 triệu USD.

Ngân hàng thứ 5 bị đóng cửa là Bank of Leeton, có trụ sở tại bang Missouri, tài sản trị giá 20,1 triệu USD và tiền gửi 20,4 triệu USD.

Vụ đổ vỡ của 5 ngân hàng nói trên khiến quỹ bảo hiểm tiền gửi của FDIC bị giảm khoảng 532 triệu USD.

Trong số 9 ngân hàng bị đổ vỡ trong 3 tuần đầu năm nay thì ngân hàng Horizon tại bang Washington là ngân hàng lớn nhất với tài sản trị giá 1,3 tỷ USD và tổng tiền gửi của khách hàng khoảng 1,1 tỷ USD.

Đây là ngân hàng đầu tiên của Mỹ bị đóng cửa trong năm 2010 và FDIC sẽ phải trả hơn 539 triệu USD tiền bảo hiểm.

Trong cả năm 2009, số tiền bảo hiểm mà FDIC trả cho 140 ngân hàng đổ vỡ đã vượt quá 30 tỷ USD.

Ông Mitchell Glassman, thành viên ban giám đốc của FDIC, nói tại phiên điều trần ngày 21/1 của Tiểu ban phụ trách các định chế tài chính thuộc Hạ viện Mỹ, rằng: "Trong khi nền kinh tế cho thấy những tín hiệu cải thiện, sự hồi phục trong lĩnh vực ngân hàng có xu hướng chậm hơn các ngành khác. Chúng ta sẽ phải chứng kiến mức độ đổ vỡ (của các ngân hàng) tiếp tục cao trong năm 2010."

Nhiều chuyên gia dự báo trong năm nay, trên 200 ngân hàng Mỹ có thể bị phá sản, nâng tổng số tiền cứu trợ mà FDIC phải chi lên gấp 10 lần số tiền giải cứu các ngân hàng phá sản trong cuộc khủng hoảng những năm 1980 của thế kỷ trước.

Trong khi đó, các quan chức của FDIC ước tính sẽ phải chi khoảng 100 tỷ USD cho bảo hiểm tiền gửi trong 4 năm từ 2010-2013.

Trước đó, vào ngày 20/1, Chủ tịch FDIC, bà Sheila Bair nói tại một hội nghị về bất động sản thương mại, rằng các rắc rối trong lĩnh vực thương mại sẽ tiếp tục khiến nhiều ngân hàng đổ vỡ trong năm nay.

Theo bà Bair, việc bán toàn bộ các ngân hàng bị đổ vỡ do có liên quan tới bất động sản thương mại là rất khó, nên FDIC có thể giải quyết các ngân hàng này thông qua hình thức trái phiếu hóa./.

Kim Yến (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục