Việt Nam thảo luận phát triển năng lượng từ trấu

Theo chuyên gia quốc tế, VN có thể sử dụng khoảng 1,5 triệu tấn trấu cho phát điện, điện năng sản xuất từ trấu đạt từ 1-1,2 TWh/năm.
Các doanh nghiệp và nhiều chuyên gia về năng lượng Việt Nam và quốc tế đã gặp nhau, cùng thảo luận về khả năng phát triển năng lượng từ trấu trong một hội thảo diễn ra ngày 12/11 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hội thảo trên do Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Bộ Công Thương đồng chủ trì tổ chức.

IFC trong dịp này công bố một nghiên cứu toàn diện (do Phần Lan, Cộng hòa Ireland, Hà Lan, New Zealand và Thụy Sĩ tài trợ) về tiềm năng biến chất thải trấu thành một nguồn năng lượng sạch tại Việt Nam- một trong những quốc gia sản xuất gạo hàng đầu trên thế giới.

Nghiên cứu này khẳng định, với sản lượng trấu khoảng 7,5 triệu tấn vào năm 2010, Việt Nam có thể sử dụng khoảng 1,5 triệu tấn trấu cho phát điện, điện năng sản xuất từ các nhà máy điện trấu đạt từ 1-1,2 TWh/năm và công suất lắp đặt của các nhà máy này dao động từ 160-180 MW.

Theo IFC, khu vực tốt nhất cho các dự án điện trấu là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (An Giang, Tiền Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp…), nơi sản xuất lúa tập trung theo quy mô lớn, lượng trấu được sử dụng mới chiếm 15-20% và hầu hết các nhà máy xay xát nằm cạnh sông hoặc kênh rạch, thuận tiện cho vận chuyển với chi phí thấp.

Việc sử dụng trấu cho các dự án điện sẽ giảm đáng kể lượng trấu dư thừa, thường bị đổ xuống sông rạch gây ô nhiễm môi trường cũng như giảm lượng phát thải CO2.

Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng chỉ rõ những nhược điểm, chủ yếu về khía cạnh tài chính đối với các dự án điện trấu với mức giá bán điện hiện nay (khoảng 0,053 USD/Kwh). Tỷ suất đầu tư/MW điện trấu cũng cao hơn các loại năng lượng điện khác khoảng 1,5 lần (khoảng 2000 USD/Kwh) và công nghệ sản xuất điện trấu phải nhập khẩu hoàn toàn.

Một số ý kiến phản biện tại hội thảo cho rằng Việt Nam nên cân nhắc việc phát triển điện trấu, thay vào đó là phát triển các dự án nhiệt trấu phục vụ ngay cho việc sấy khô lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng cũng như cung cấp nhiệt cho các khu công nghiệp địa phương.

Ngoài ra, hiện đã có ít nhất 5 nhà máy sử dụng trấu để sản xuất các viên than trấu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để xuất khẩu và xu hướng này đang gia tăng mạnh mẽ do đầu tư và vận hành đơn giản, đầu ra cũng khá nhiều.

Theo Vụ phó Vụ Năng lượng (Bộ Công thương) Lê Tuấn Phong, Bộ Công Thương đang cùng WB xây dựng khung pháp lý để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng trấu. Nghị định riêng về vấn đề này sẽ được trình lên Chính phủ vào cuối năm 2009.

Ông Phong cũng cho biết, hiện đã có ít nhất 3 dự án sử dụng trấu quy mô công nghiệp ở khu vực phía Nam (nhà máy nhiệt điện Đình Hải-Cần Thơ và Ximăng Holcim), dự án còn lại chuẩn bị được triển khai tại Tiền Giang với công suất nhà máy nhiệt điện đốt trấu khoảng 10MW, vốn đầu tư trên 18,6 triệu USD.

Ông Richard Spencer, đại diện WB khẳng định sẽ không có nguồn tài trợ trực tiếp cho các dự án điện trấu tại Việt Nam mà tổ chức này chỉ cung ứng các dự án hỗ trợ vay tài chính hoặc kỹ thuật. Trong khi đó, IFC cam kết sẽ thiết lập một mối liên kết giữa các ngân hàng, các định chế tài chính trong và ngoài nước nhằm đảm bảo có một cơ chế tài chính sẵn sàng và linh hoạt cho các dự án khai thác năng lượng trấu tại Việt Nam.

“IFC hiện có một quỹ hỗ trợ khoảng 400 triệu USD cho các dự án điện trấu quy mô nhỏ ở nhiều quốc gia”, bà Karla Quizon, Trưởng bộ phận phát triển bền vững môi trường và xã hội của IFC ở khu vực Mekong cho biết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục