Ireland ra công bố kế hoạch ngân sách khắc khổ

Chính phủ Ireland công bố kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” về ngân sách nhằm đối phó khẩn cấp với cuộc khủng hoảng nợ công.
Không nằm ngoài dự đoán, Chính phủ Ireland ngày 24/11 đã công bố kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” về ngân sách, trong đó đề xuất tăng thuế và giảm chi tiêu một cách quyết liệt nhằm đối phó khẩn cấp với cuộc khủng hoảng nợ công đang đẩy nước này đến bờ vực sụp đổ.

Kế hoạch mang tên “Kế hoạch khôi phục quốc gia” được đích thân Thủ tướng Ireland Brian Cowen và Bộ trưởng Tài chính Brian Lenihan công bố tại cuộc họp báo ở Dublin.

Các điểm chính của kế hoạch khắc khổ bao gồm giảm 1 euro lương tối thiểu của một giờ làm việc xuống còn 7,65 euro/giờ (hay giảm ít nhất 10% mức lương tối thiểu); tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 21% lên 22% vào năm 2013 và 23% vào năm 2014; cắt giảm 25.000 biên chế trong các cơ quan công quyền; đánh thuế bất động sản, thuế tiêu thụ nước và tăng học phí đại học.

Tổng số ngân sách tiết kiệm được trong bốn năm tới ước tính sẽ lên tới 10 tỷ euro, cộng thêm 5 tỷ euro thu được thêm nhờ tăng thuế.

Với kế hoạch trên, Ireland hy vọng sẽ giảm mức thâm hụt ngân sách từ con số kỷ lục hiện nay 32% GDP "về đích" 3% GDP (theo Hiệp ước Tăng trưởng và Ổn định của châu Âu), phấn đấu đạt mức tăng trưởng trung bình 2,75% trong giai đoạn 2011-2014, đặc biệt giảm tỷ lệ thất nghiệp từ trên 13% hiện nay xuống dưới 10% vào năm 2014.

Thông báo trên được đưa ra ngay sau khi Chính phủ Ireland buộc phải cầu viện cứu trợ khẩn cấp từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm tránh rơi xuống vực khủng hoảng nợ công. Hai tổ chức này đã cam kết một khoản vay cho Chính phủ Ireland lên tới 85 tỷ euro, tuy nhiên, kèm theo đó là những điều kiện cải cách được ví như một “liều thuốc đắng.”

Trước đó, Chính phủ Ireland đã chi hàng chục tỷ euro để cứu trợ một loạt ngân hàng trong nước đang trong tình trạng lao đao sau khủng hoảng tài chính, đẩy nước này từ vị trí “con hổ tăng trưởng vùng Celtic" trong thập niên 1990 thành một quốc gia kiệt quệ về ngân sách.

Tuy nhiên, nhiều người chỉ trích rằng kế hoạch thắt chặt chi tiêu của Chính phủ Ireland sẽ tác động nặng nề đến người nghèo. Nói cách khác, nó bắt người nghèo phải gánh chịu hậu quả sai lầm kinh tế của các chính trị gia và ngân hàng.

Một số nhà phân tích còn cảnh báo sẽ diễn ra một làn sóng phá sản ngân hàng và doanh nghiệp thứ hai ở Ireland, sau khi kế hoạch cắt giảm ngân sách bắt đầu tác động vào nền kinh tế.

Ông Cowen thừa nhận các biện pháp tăng thuế, giảm chi tiêu sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân trước mắt, nhưng nói rằng “trì hoãn các biện pháp này sẽ làm gia tăng gánh nặng nợ nần trong tương lai cho người nghèo, và sẽ làm tiêu tan hy vọng nền kinh tế trở lại tăng trưởng bền vững với tỷ lệ thất nghiệp thấp.”

Cuộc khủng hoảng nợ công đang đẩy chính phủ của Thủ tướng Cowen vào một cuộc khủng hoảng chính trị, sau khi các đảng đối lập yêu cầu ông từ chức và tổ chức bầu cử sớm. Ông Cowen tuyên bố sẽ từ chức sau khi kế hoạch tái cơ cấu tài chính quốc gia được Quốc hội thông qua vào cuối năm nay.

Như vậy, rất có thể ông Cowen là nguyên thủ quốc gia đầu tiên bị mất chức vì cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu, hiện vẫn đang đe dọa một số nước khác như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục