Phương Tây tiếp tục gây sức ép trừng phạt Iran

Các nước phương Tây vẫn hoài nghi và tiếp tục gây sức ép để Iran phải hợp tác với IAEA hoặc chịu thêm các biện pháp trừng phạt.
Sau khi Iran ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil về chuyển urani làm giàu cấp độ thấp sang Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy nhiên liệu hạt nhân cho một lò phản ứng ở Tehran, các nước phương Tây vẫn tỏ ra hoài nghi và tiếp tục gây sức ép để Iran phải hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) hoặc chịu thêm các biện pháp trừng phạt.

Ngày 17/5, Mỹ tuyên bố sẽ vẫn xúc tiến các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Iran, bất chấp thỏa thuận trao đổi hạt nhân mới của Tehran với Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil.

Người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs nói: "Điều này không làm thay đổi những biện pháp mà Mỹ đang đề ra nhằm buộc Iran phải có trách nhiệm đối với những nghĩa vụ của mình, kể cả các lệnh trừng phạt."

Ông Robert Gibbs cho rằng kể cả khi thỏa thuận trao đổi mới được thực thi, Washington vẫn lo ngại về chương trình hạt nhân của Tehran và thực tế, Iran vẫn tuyên bố sẽ tự tiếp tục làm giàu urani lên cấp độ 20%.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Philip Crowley cho biết nhiều quan chức Mỹ vẫn đánh giá thỏa thuận này và sẽ tham vấn với các đối tác quốc tế trong những ngày tới, trong đó có cả Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ.

Quan chức phụ trách các vấn đề đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton ngày 17/5 cho rằng thỏa thuận trao đổi hạt nhân giữa Iran với Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil chỉ đáp ứng phần nào các yêu cầu của IAEA.

Bà nói rằng đây chưa phải là nỗ lực để giải quyết vấn đề ưu tiên hiện nay mà các nước phương Tây mong muốn là thảo luận chính thức với Iran về khả năng nước này sản xuất vũ khí hạt nhân.

Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner khẳng định IAEA phải là cơ quan đầu tiên trả lời về thỏa thuận trao đổi hạt nhân của Iran với Thổ Nhĩ Kỳ.

Đức cũng cho rằng điều quan trọng vẫn là IAEA và Iran đạt được một thỏa thuận và thỏa thuận này không thể được thay thế bằng thỏa thuận với những nước khác.

Bộ Ngoại giao Anh ra tuyên bố cảnh báo rằng những hành động của Iran vẫn gây lo ngại nghiêm trọng, đặc biệt việc Tehran từ chối gặp các nước phương Tây để thảo luận về chương trình hạt nhân của nước này hay hợp tác đầy đủ với IAEA...

Nhiều nhà ngoại giao gần với IAEA cũng nhận định thỏa thuận Iran-Thổ Nhĩ Kỳ-Brazil không thể giúp Iran tránh được các biện pháp trừng phạt mới của Liên hợp quốc.

Phát biểu với báo giới khi đang ở thăm Ukraine ngày 17/5, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho biết Mátxcơva hoan nghênh thỏa thuận mới đạt được giữa Iran với Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil, song vẫn cần tiến hành đàm phán thêm.

Trong khi đó, IAEA cho biết cơ quan này đã nhận được văn bản của tuyên bố chung do Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil ký ngày 17/5 tại Tehran, song còn đang chờ thông báo chính thức từ Iran về thoả thuận này dưới dạng văn bản viết.

Theo thỏa thuận mới được ngoại trưởng ba nước Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil ký, trong vòng một tháng, Iran sẽ chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ 1.200kg urani làm giàu cấp độ 3,5%, tương đương hơn một nửa số urani làm giàu ở cấp độ thấp của Iran.

Số urani chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được bảo quản tại Thổ Nhĩ Kỳ và do Iran cùng IAEA giám sát, quản lý. Đổi lại, các nước Mỹ, Pháp và Anh sẽ phải cung cấp 120kg nhiên liệu làm giàu ở cấp độ 20% cho một lò phản ứng hạt nhân ở Iran trong thời gian chưa đầy một năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục