Tìm giải pháp nâng số lao động VN ở nước ngoài

Thời gian tới, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tập trung thực hiện các giải pháp ổn định và mở rộng thị phần tại các thị trường.
Ngày 28/1, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức buổi tọa đàm “Hợp tác lao động với nước ngoài – 30 năm Hội nhập và Phát triển"; đánh giá những mặt tồn tại và đề ra giải pháp nhằm nâng cao số lượng người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài trong thời gian tiếp theo.

Theo đánh giá của Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, những hạn chế chính trong việc đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài là chất lượng nguồn lao động xuất khẩu của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động ngoài nước, đặc biệt là trong một số nghề đòi hỏi công nghệ hoặc trình độ ngoại ngữ cao.

Bên cạnh đó, ý thức tổ chức kỷ luật và tuân thủ pháp luật của một bộ phận lao động của Việt Nam còn thấp. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này vẫn còn nhiều bất cập. Công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như pháp luật về xuất khẩu lao động còn hạn chế.

Vì vậy vẫn còn nhiều người lao động bị kẻ xấu lừa đảo, thu tiền bất chính. Nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình dẫn đến vi phạm các quy định của pháp luật.

Thời gian tới, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tập trung thực hiện các giải pháp ổn định và mở rộng thị phần tại các thị trường đang nhận lao động Việt Nam với số lượng lớn như Trung Đông, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc, mở thêm các thị trường mới là các thị trường nhận lao động kỹ thuật cao, có thu nhập cao ở châu Âu, châu Mỹ và châu Úc.

Bên cạnh hình thức đưa lao động thông qua các doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ nghiên cứu để có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhận thầu công trình và đầu tư ra nước ngoài để đưa lao động Việt Nam sang làm việc.

Ngành đẩy nhanh tiến độ triển khai, ưu tiên truyển chọn, đào tạo và đưa lao động các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngòai.

Hiện nay, có khoảng 500.000 người lao động và chuyên gia Việt Nam đang làm việc ở trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong số đó, có khoảng gần 50% là lao động đã được đào tạo. Hàng năm, lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài gửi khoảng 1,7 tỷ USD tiền thu nhập về nước./.

Quang Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục