Alzheimer đang là gánh nặng đối với kinh tế thế giới

Theo bà Daisy Acosta - Chủ tịch Hiệp hội Alzheimer Quốc tế, thế giới đã phải chi tới 604 tỷ USD cho bệnh Alzheimer trong năm ngoái.
Theo các chuyên gia về Alzheimer của Mỹ, bệnh Alzheimer ngày càng trở thành gánh nặng đối với nền kinh tế thế giới trong bối cảnh dân số thế giới đang già đi.

Các chuyên gia cũng cho biết, hiện có khoảng 24-37 triệu người trên thế giới đang phải đối mặt với chứng bệnh sa sút trí tuệ không thể chữa khỏi này. Số người mắc bệnh sẽ đạt mức 115 triệu từ nay cho tới 2050.

Bà Daisy Acosta, Chủ tịch Hiệp hội Alzheimer Quốc tế, có trụ sở tại London, Anh cho rằng, Alzheimer được coi là cuộc khủng hoảng về y tế và xã hội tồi tệ nhất của thế kỷ 21.

Theo bà Daisy, căn bệnh này khiến thế giới đã phải chi tới 604 tỷ USD trong năm 2010.

Chi phí này tương đương với 1% Tổng sản phẩm quốc dân của cả thế giới. Tuy vậy, theo các chuyên gia, ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học về Alzheimer vẫn còn rất khiêm tốn so với các căn bệnh khác.

Trong khi thế giới dành 6 tỷ USD mỗi năm cho nghiên cứu chống lại bệnh ung thư, 4 tỷ USD cho căn bệnh nhồi máu cơ tim và 2 tỷ USD cho bệnh AIDS thì nghiên cứu về Alzheimer chỉ có 450 triệu USD.

Căn bệnh thoái hóa hệ thống thần kinh hiện nay được coi là vô phương cứu chữa. Alzheimer khiến bệnh nhân mất dần chức năng tư duy và trí nhớ./.

Đức Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục