Xây dựng cơ chế hợp tác ĐBSCL-TP Hồ Chí Minh

Giữa các tỉnh ĐBSCL với TP.HCM chỉ mới dừng lại ở ký kết thỏa thuận hợp tác, chương trình hợp tác, song trên thực tế chưa đi vào chiều sâu.
Trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long, sáng 21/10, tại Khách sạn Anh Nguyệt (tỉnh Cà Mau) đã diễn ra Hội thảo khoa học, xây dựng cơ chế hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là hợp tác kinh tế vùng).

Tại hội thảo, nhiều nhà quản lý, chuyên gia kinh tế cùng nhất trí cho rằng, muốn phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì yếu tố không thể thiếu là sự hợp tác liên kết giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ chí Minh, vì đây là trung tâm kinh tế lớn của đất nước, là cửa ngõ của Đồng bằng sông Cửu Long.

Thời gian qua, quan hệ hợp tác giữa Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được một số bước tiến; trong đó Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động ký kết hợp tác với hầu hết các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, bước đầu tạo được sự chuyển biến về nhận thức chung Đồng bằng sông Cửu Long muốn phát triển không thể thiếu sự hỗ trợ hợp tác của Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời Thành phố Hồ Chí Minh cần hợp tác với Đồng bằng sông Cửu Long để phát triển.

Ông Phạm Thành Tươi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, Trưởng ban Tổ chức Diễn đàn nhấn mạnh, tỉnh Cà Mau cũng như các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nhận thức được vấn đề liên kết là hết sức cấp bách cho sự phát triển chung, tuy nhiên hiện vẫn chưa có cơ chế cụ thể nào để thực hiện có hiệu quả.

Giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh chỉ mới dừng lại ở ký kết thỏa thuận hợp tác, chương trình hợp tác, song trên thực tế chưa đi vào chiều sâu, hiệu quả; rất cần có một cơ chế hợp tác với nội dung cụ thể giữa Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ chí Minh.

Lãnh đạo các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và hành phố Hồ Chí Minh đã nhất trí, xây dựng cơ chế hợp tác vùng; hợp tác toàn diện, bao gồm hợp tác phát triển công nghiệp, đầu tư, xây dựng, dịch vụ, khoa học kỹ thuật, du lịch…

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long những lĩnh vực thuộc thế mạnh của thành phố. Ngược lại, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sẽ hỗ trợ thành phố các lĩnh vực quan trọng thuộc thế mạnh của khu vực như lương thực, thủy sản, lao động phổ thông. Ngoài ra, các sở, ngành của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh cũng xây dựng chương trình hợp tác của riêng từng ngành, nhằm cụ thể hóa cơ chế thỏa thuận hợp tác vùng đi vào chiều sâu, hiệu quả thiết thực./.

Trần Thành Nên (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục