"Tây" và "Ta" hòa diễn

"Tây" và "Ta" hòa diễn trong kịch kinh điển-hiện đại

Nghệ sĩ Pháp và Việt chung một sân khấu trong vở kịch về Hy lạp cổ đại song lại mặc trang phục thời nay cùng thiết bị hiện đại...
Ngày 15/12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội vở kịch kinh điển mang đậm màu sắc thần thoại Hy Lạp được đạo diễn người Pháp Jean Mari Ljude dàn dựng với diễn xuất của các diễn viên Nhà hát kịch Việt Nam ra mắt khán giản Thủ đô. Đây thực sự là cơ hội để khán giả giao lưu, tìm hiểu những vở kịch kinh điển, có tiếng vang, mang sức sống trường tồn của nền văn hoá thế giới.

Không dành cho khán giả hời hợt

Có mặt xem vở "Andromake" trước ngày lên sàn chính thức, phóng viên Vietnam+ cảm nhận  được rằng vở diễn kinh điển nổi tiếng này không thể dành cho khán giả hời hợt. Nếu người đến xem với tâm lý chờ được giải trí thì sẽ hoàn toàn thất bại.        

Từ bài trí sân khấu đến trang phục của diễn viên không có gì nổi bật, không có đa sắc màu. Hai màn hình tivi cỡ to. Một chiếc để ngang, một chiếc để dọc. Gương mặt của diễn viên tham diễn khi thì hiện trên ti vi, khi lại bước ra diễn cùng bạn diễn và trực tiếp trước khán giả.

Bốn diễn viên người Pháp khi diễn đều có chữ tiếng Việt bắn trên màn hình cho người xem đọc. Cũng chính vì thế mà khán giả nếu theo dõi đọc sẽ có cảm giác như đọc sách, với cái thú của người đang trải nghiệm từ ngữ sắc sảo.

Khi xem diễn viên trên sàn diễn theo phong cách của nghệ thuật sân khấu đã mang sức hút mới của việc xem diễn viên “Ta” và “Tây” cùng chung một vở kịch. Có sự giao thoa lối diễn xuất khá lạ khi đạo diễn để diễn viên nhỏ tuổi vào vai con trai của nhân vật Andromaque. Cậu bé này cứ ngồi ở góc sân khấu đọc sách và vẽ trên giấy trắng rất lâu. Những trang sách và hình vẽ được chiếu lên màn hình. Có thể cảm nhận ít nhiều sắc thái của nghệ thuật thị giác được áp dụng trên sân khấu hiện đại phương Tây.
 
Các hình ảnh gương mặt nghệ sĩ trên màn hình ti vi cũng mang đến màu sắc điện ảnh. Đặc biệt là sự “vượt rào” khi khán giả chứng kiến diễn viên đối thoại cùng nhân vật trên màn hình, đó là những trải nghiệm thú vị mà không phải khi nào muốn, người yêu sân khấu cũng có thể xem được.

Khán giả xem kịch "Andromake" và say mê vở diễn này chắc chắn là những người yêu sân khấu, những người thích tiếng Pháp, mê văn hóa Pháp và cả những ai yêu thích văn học. Những lời thoại súc tích, sâu xa hay…kinh điển,. Đặc biệt, không gian của vở kịch sâu lắng sẽ cuốn người ta hoàn toàn ra khỏi cuộc sống ồn ã, khỏi guồng quay hiện đại.

Kịch kinh điển- nhịp cầu hợp tác


Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cùng Nhà hát kịch Việt Nam giới thiệu vở Andromake của đạo diễn Jean - Marie Lejude, kịch bản của Jon Fosse sẽ ra mắt khán giả Việt Nam vào ngày 15/12/2011 tại Nhà hát lớn Hà Nội. Sau khi trình diễn tại Việt Nam, vở kịch sẽ được giới thiệu tại Pháp trong mùa diễn 2012-2013.

Sau thành công của vở diễn Ngụ ngôn “La Fontaine,” dàn dựng từ 25 truyện ngụ ngôn của La Fontaine, phối hợp với Trường đại học Sân khấu điện ảnh nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập trường, Jean-Marie Lejude dàn dựng vở "Andromake," kịch bản của Jon Fosse dựa trên tác phẩm của Racine.

Vở "Andromake" kể về câu chuyện tình yêu đầy bi tráng. Oreste yêu Hermione, nàng lại theo đuổi Pyrrhus, chàng trai này lại yêu Andromaque - người phụ nữ chỉ yêu thương con trai Astyanax và người chồng Hector đã quá cố.

Riêng Andromaque, đang bị giam giữ trên đất của kẻ thù cùng con trai mình, vẫn giữ được sự trong sạch nhờ vào tình yêu thương và hi sinh vô bờ bến với con. Bi kịch ở đây chính là bi kịch của đứa trẻ, Astyanax, nhân chứng ngây thơ và nô lệ của cuộc chiến mà người lớn gây ra.

Jean-Marie Lejude là đạo diễn nổi tiếng của sân khấu của Pháp. Ông đã dàn dựng rất nhiều vở diễn cho những sân khấu trong nước và tại các trung tâm kịch nghệ của Pháp. Vở kịch không chỉ nối liền sân khấu của hai nước Pháp-Việt mà còn là nhịp cầu nối kinh điển và hiện đại thật "êm" không bị "chênh." Đó là dù vở kịch về Hy lạp cổ đại song nghệ sĩ lại mặc trang phục thời nay cùng thiết bị hiện đại trên sân khấu như màn hình tivi, màn chiếu ...

Sự giao lưu diễn xuất trên sân khấu được thể hiện bởi tám nhân vật (bốn diễn viên Pháp và bốn diễn viên Việt Nam của Nhà hát kịch Việt Nam). Vở kịch được diễn hai thứ tiếng nhưng sẽ mang đến cho người xem một ngôn ngữ chung nhất: Ngôn ngữ của tình yêu. Đặc biệt, đôi câu nói "trao đổi chéo" tiếng Việt và Pháp cũng gợi sự thú vị cho người xem./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục