IMF: Kinh tế Nhật Bản đang có dấu hiệu hồi phục

Theo Báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, kinh tế Nhật có thể sẽ giảm 0,7% năm nay nhưng sẽ tăng trở lại trong năm tới, với mức tăng 2,9%.
Ngày 19/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết nền kinh tế Nhật Bản đang có các dấu hiệu hồi phục kể từ sau thảm họa động đất và sóng thần ngày 11/3 vừa qua và có thể sẽ tăng trưởng trở lại vào cuối năm nay.

Trong báo cáo đánh giá vừa công bố sau các cuộc tham vấn với Chính phủ Nhật Bản, IMF dự báo nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này có thể sẽ giảm 0,7% trong năm nay do những thiệt hại trong thảm họa vừa qua, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp. Tuy nhiên, kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng trở lại trong năm tới, với mức tăng 2,9%.

Báo cáo của IMF nêu rõ: "Sau khi suy thoái mạnh trong nửa đầu của năm nay, tình hình cung ứng sẽ trở lại bình thường trong mùa Hè và chi tiêu cho các hoạt động tái thiết sẽ tăng dần."

Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo sự bất ổn về triển vọng kinh tế của Nhật Bản vẫn "rất lớn một cách bất thường.” Đặc biệt, vẫn có khả năng việc khôi phục nguồn cung điện, trong đó có nguồn cung từ các nhà máy điện hạt nhân bị ảnh hưởng bởi thảm họa vừa qua, sẽ bị trì hoãn và tình trạng nhu cầu yếu có thể sẽ kéo dài.

IMF cho rằng Chính phủ Nhật Bản cần phải duy trì các biện pháp kích thích kinh tế ngắn hạn. Ưu tiên hiện nay là sửa chữa cơ sở hạ tầng đã bị phá hủy và tạo điều kiện cho sự phục hồi nhanh chóng.

IMF cam kết ủng hộ Nhật Bản xây dựng "một ngân sách bổ sung có quy mô lớn” và ngân sách này sẽ được soạn thảo chủ yếu dựa vào các biện pháp thuế mới trong bối cảnh cần phải giới hạn lượng trái phiếu chính phủ phát hành và khả năng cắt giảm hơn nữa các khoản chi là rất hạn chế.

Thế chế tài chính đa phương toàn cầu này cho rằng Nhật Bản cần tăng thuế tiêu dùng từ mức 5% hiện nay lên 7-8% vào năm 2012. Trong trường hợp áp lực thiểu phát gia tăng ở Nhật Bản, IMF nhấn mạnh Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cần phải cân nhắc mở rộng chương trình mua các chứng khoán Nhà nước dài hạn hơn và các tài sản tư nhân.

Về hiện tượng đồng yen tăng giá mạnh so với USD trong những ngày gần đây, IMF cho rằng đồng bản tệ của Nhật Bản dường như đang được "định giá chính xác" trên cơ sở các yếu tố cơ bản trên thị trường.

Về vấn đề nợ công, theo IMF, Nhật Bản cần phải bắt đầu giải quyết vấn đề nợ công khổng lồ trong bối cảnh tỷ lệ nợ công/GDP có thể sẽ đạt mức 237% trong năm tới. Vì vậy, một chiến lược trung hạn tham vọng hơn, với sự điều chỉnh đáng kể trong cán cân cơ bản mang tính cơ cấu, là cần thiết để đẩy nhanh tiến độ giảm nợ công.

Chương trình như vậy cần bao gồm việc hạn định các khoản chi, kỷ luật tài chính và cải cách thuế tổng thể theo hướng tăng dần thuế tiêu dùng./.

Thanh Tùng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục