Nâng vai trò giám sát

Nâng vai trò giám sát của Ủy ban Tài chính quốc gia

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia phối hợp các Bộ, ngành nâng cao vai trò tham mưu, giám sát.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia hoàn chỉnh chương trình, nhiệm vụ của Ủy ban trên các mặt để nâng cao vai trò tham mưu, giám sát của đơn vị.

Ngày 23/1, phát biểu tại hội nghị Tổng kết 5 năm hoạt động và triển khai nhiệm vụ năm 2013 của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia tổ chức ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh trong điều kiện thị trường chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng có sự đan xen, chuyển hóa rất nhanh như hiện nay, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cần phối hợp với các Bộ, ngành để đưa ra được cơ chế quản lý phù hợp.

Đặc biệt, Ủy ban cần phân tích thông tin thu thập nhiều chiều để đưa cảnh báo khách quan, trung thực giúp nâng cao công tác quản lý của Bộ, ngành.

Phó Thủ tướng đánh giá cao những ý kiến, tham mưu, đề xuất của cơ quan này về vấn đề tài chính ngày một chất lượng, kịp thời và bám sát chương trình nhiệm vụ được đưa ra.

Năm 2012, Ủy ban đã tham mưu, đề xuất giúp Chính phủ đưa ra các cơ chế chính sách quản lý vấn đề kinh tế vĩ mô, tài chính, tiền tệ phù hợp, chính xác. Qua đó, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia góp phần cùng Chính phủ, các Bộ, ngành, doanh nghiệp đưa đất nước vượt qua thời điểm được coi là khó khăn nhất.

Về vấn đề thiếu thông tin phục vụ công tác giám sát, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn cho biết việc thu thập thông tin từ các Bộ, ngành, tổ chức tài chính phục vụ công tác giám sát thị trường tài chính đang gặp khó khăn.

Hệ thống dữ liệu thông tin Ủy ban nhận từ các Bộ, ngành, các định chế tài chính còn chậm, chưa đồng bộ. Do đó, việc hoàn thành báo cáo của Ủy ban đôi khi còn kéo dài dẫn đến tình trạng một số kiến nghị đề xuất chậm so với sự thay đổi của diễn biến kinh tế và sự biến động của thị trường tài chính.

Nhiều ý kiến tại hội nghị cũng cho rằng, vấn đề trên được xuất phát từ việc chưa có khuôn khổ pháp lý về cơ chế phối hợp hoạt động giám sát nên khó có đầy đủ thông tin về bức tranh toàn cảnh thị trường tài chính.

Trong khi Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia có điều kiện tiếp cận thông tin và theo dõi dòng tiền trên thị trường tài chính nhưng lại không đủ điều kiện pháp lý để thực thi một cách đầy đủ chức năng của một đơn vị giám sát. Do vậy, thời gian qua, Ủy ban chưa triển khai giám sát điều kiện được cấp phép hoạt động của các tổ chức tín dụng; giám sát tổ chức hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm….

Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, mặc dù còn nhiều khó khăn trong công tác thu thập thông tin nhưng thời gian qua, đơn vị đã xây dựng được hệ thống thông tin dữ liệu đồng bộ về quy mô, cấu trúc tương đối hoàn chỉnh về các chỉ số kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính của Việt Nam và một số Quốc gia để làm cơ sở phân tích, đánh giá.

Trong đó, một số chỉ tiêu chính đã được tập hợp với chuỗi thời gian khá dài từ năm 1995-2012 làm căn cứ để Ủy ban phân tích, đánh giá mức độ ảnh hưởng và tác động chéo giữa các khu vực của thị trường tài chính gồm ngân hàng, chứng khoán bảo hiểm trong tổng thể thị trường tài chính Việt Nam./.

Hải Yến (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục