Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân tự đóng đầu tiên

Ấn Độ đã hạ thủy chiếc tàu ngầm INS Arihant chạy bằng năng lượng hạt nhân tự đóng đầu tiên, trở thành nước thứ 6 trên thế giới sở hữu tàu ngầm hạt nhân.
Trưa 26/7, Ấn Độ đã hạ thủy chiếc tàu ngầm INS Arihant chạy bằng năng lượng hạt nhân tự đóng đầu tiên của nước này tại cảng Visakhapatnam thuộc bang Andha Pradesh ở miền Đông.

Sự kiện này đã đưa Ấn Độ trở thành nước thứ 6 trên thế giới sở hữu tàu ngầm hạt nhân sau Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc và Pháp.

Theo các quan chức quốc phòng, đây là chiếc tàu đầu tiên trong số 5 tàu mà Ấn Độ có kế hoạch đóng, được cấp năng lượng từ một lò phản ứng hạt nhân 85 mêgaoát và có thể đạt được tốc độ 44 km/giờ dưới nước.

Tàu ngầm INS Arihant được trang bị ngư lôi và 12 tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân và số thủy thủ đoàn tối đa là 95 người. Tàu có khả năng lặn ở độ sâu hơn 500m và phóng tên lửa từ độ sâu hơn 100m dưới mặt biển và sẽ là một phần quan trọng trong bộ ba lực lượng răn đe hạt nhân của Ấn Độ.

Con tàu sẽ chạy thử nghiệm trong 2 năm ở Vịnh Bengal trước khi được đưa vào hoạt động đầy đủ. Nhờ được trang bị lò phản ứng hạt nhân cung cấp năng lượng cho động cơ, tàu có khả năng hoạt động dưới nước lâu hơn so với tàu ngầm chạy bằng động cơ điện-diezen, và tốc độ cũng tăng gấp hai lần tốc độ tàu ngầm thông thường.

Chính phủ Ấn Độ cũng đã thông qua kế hoạch đóng thêm 4 tàu ngầm hạt nhân tương tự loại Arihant trong vài năm tới nhằm tăng cường khả năng phòng thủ đất nước./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục