Ngành báo chí Nhật chuyển mình theo thời cuộc

Dù có môi trường phát triển lý tưởng, ngành báo in Nhật Bản cũng chuyển mình theo hướng đa dạng hóa để theo kịp với báo điện tử.
Dù có một môi trường phát triển lý tưởng, ngành báo in Nhật Bản cũng không tránh khỏi sự cạnh tranh quyết liệt từ đối thủ báo điện tử.

Trong khi những đồng nghiệp phương Tây hiện đang phải hết sức nỗ lực để thoát khỏi tình trạng khủng hoảng thì ngành báo in Nhật Bản lại "ung dung" hơn rất nhiều.

Lý do là tại Nhật, nền tảng truyền thống báo chí từ xưa vẫn được duy trì bền bỉ, với lượng báo phát hành mỗi ngày luôn là con số khổng lồ và được hậu thuẫn bởi số lượng độc giả trung thành đông đảo.

Tuy nhiên, hiện tại, khi báo điện tử đang chiếm thế thượng phong so với báo in truyền thống thì mối các đe dọa tiềm tàng cũng dần xuất hiện trước mắt các nhà làm báo Nhật Bản. Mối đe dọa đầu tiên thể hiện thông qua các nguồn thu từ quảng cáo bị giảm xuống, tới 42%, trong thập kỷ vừa qua, và có xu hướng giảm mạnh hơn do ảnh hưởng của cuộc suy thoái toàn cầu tác động lên nền kinh tế Nhật Bản.

Trước đây, nếu nhìn vào lịch sử của nền công nghiệp báo chí Nhật Bản, hẳn tất cả đều thấy ngưỡng mộ khi lượng phát hành báo in chỉ giảm 6% trong 10 năm cho tới năm 2009 vừa qua. Trong số đó, tờ báo Yomiuri Shimbun, với hơn 10 triệu bản/ngày, là tờ báo dẫn đầu thế giới về số lượng phát hành.

Theo Japan Newspaper Publishers & Editors Association, những tờ báo được yêu thích khác cũng phát hành một lượng khổng lồ 50,4 triệu bản/ngày trong năm 2009.

Với lượng khách hàng đặt báo tại nhà rất ổn định, các tờ báo luôn tìm cách khai thác triệt để những mối khách hàng tiềm năng mới, bằng cách mang tới những chương trình khuyến mãi hấp dẫn như tặng đồ giặt tẩy, vé xem thể thao… cho các khách hàng này.

Tin tức trên mặt báo luôn được cập nhật liên tục suốt cả ngày. Các cây bút săn tin, biên tập thâu đêm tại Nhật, được gọi là "yomawari," luôn tích cực hoạt động để có được các tiêu điểm nóng hổi trên báo sáng.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, dù có một môi trường phát triển lý tưởng như vậy, báo in Nhật Bản cũng không tránh khỏi sự cạnh tranh quyết liệt từ đối thủ báo điện tử.

Giáo sư Shinji Oi của trường Đại học Nihon cảnh báo: "Chúng ta chưa phải chứng kiến sự phá sản hay các vấn đề tài chính nghiêm trọng ở các tờ báo lớn như ở phương Tây, nhưng các mối nguy cơ cũng đang dần bộc lộ..."

Khi giới trẻ Nhật Bản lớn lên trong thời đại bùng nổ của Internet, họ đã trở nên quen thuộc với những thông tin miễn phí, cập nhật nhanh chóng từng phút một.

Theo ý kiến của nhóm chuyên gia viện nghiên cứu M1F1, những bạn trẻ tầm 20 tuổi coi báo in là thứ tốn tiến, khiến họ mất nhiều thời gian đọc vì có không ít thông tin thừa, trong khi đó, họ hoàn toàn có thể tìm được nguồn thông tin thay thế, nhanh chóng và miễn phí, đó là báo điện tử.

Một cuộc nghiên cứu khác do JPRI (Japan Press Research Institute) tiến hành đã chỉ ra quan điểm của hầu hết những người dưới 40 tuổi, rằng mức tiền trung bình dành cho việc đặt báo hàng tháng khoảng 40 USD là quá đắt.

Giáo sư luật truyền thông tại Đại học Rikkyo, ông Takaaki Hattori, phát biểu: "Chính chất lượng báo chí đang đi xuống cũng góp phần tạo ra khoảng cách với các độc giả trẻ, khi nhiều tờ báo cố chạy theo các loại tin giật gân thị trường."

Tuy nhiên, ông Hattori cũng cho rằng ở một khía cạnh khác, đối thủ báo điện tử sẽ giúp thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển mình của nền công nghiệp báo chí Nhật Bản, để thích hợp với thời cuộc mới.

Hiện nay, những tờ báo phương Tây đang dần tìm ra hướng đi phù hợp với thời đại công nghệ, khi thay thế nguồn doanh thu quảng cáo sụt giảm của báo in bằng các khoản lợi nhuận từ quảng cáo trực tuyến.

Từ những tấm gương đó, nhật báo Nikkei đã nhanh nhạy tạo bước tiến mới, khi trở thành tờ báo tiên phong tại Nhật cung cấp phiên bản điện tử hoàn thiện, đầy đủ.

Bản điện tử của Nikkei bao gồm cả những chuyên mục thông tin miễn phí và tính phí, trong đó gồm những nội dung thông tin đáng giá như các phân tích, nhận định về các sự kiện, vấn đề...

Từ lúc đi vào hoạt động hồi cuối tháng Ba cho tới tháng Bảy vừa qua, báo điện tử Nikkei đã có 440.000 tài khoản của các độc giả, trong đó có 70.000 độc giả đăng ký trả tiền. Tất nhiên, tại thời điểm này, con số đó vẫn còn là khiêm tốn so với lượng phát hành 3 triệu bản báo in của Nikkei.

Người quản lý đại diện của báo điện tử Nikkei, Kiyoshi Noma, chia sẻ: "Ở thời đại công nghệ ngày nay, nếu Nikkei chỉ có duy nhất phiên bản báo giấy thì đó quả là một bất lợi. Chúng tôi tin rằng việc tạo ra đồng thời cả báo điện tử và báo in là con đường phát triển hợp lý cho mình."

Kiyoshi Noma còn cho biết thêm rằng, nhiều độc giả sẵn sàng trả tiền để có được thông tin chất lượng, dù nó ở dạng điện tử hay bản giấy. "Chúng tôi không đổi mới hấp tấp, mà thực hiện từ từ mọi thứ để tạo ra nền tảng phát triển thật vững chắc," Noma cho hay.

Giáo sư Oi của Đại học Nihon nhận định về thời cuộc báo chí Nhật Bản ngày nay: "Báo chí cần tự chuyển mình theo xu hướng xã hội, để phục vụ những nhóm đối tượng độc giả cụ thể, chứ không phải chạy theo lợi nhuận để phục vụ số đông 'hổ lốn'. Không thể có một sản phẩm chung cho tất cả độc giả, bởi cộng đồng này đang phân cấp mạnh mẽ, người chuộng báo in, người ưa thích báo điện tử. Do vậy, truyền thông Nhật Bản cần chuyển mình theo hướng đa dạng hóa để phù hợp với thời cuộc mới."./.

Văn Hưng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục