Khen thưởng cần hướng tới người lao động trực tiếp

Thủ tướng nhấn mạnh công tác khen thưởng cần hướng tới những người lao động trực tiếp có sáng kiến độc đáo và thành tích nổi bật.
Ngày 10/8, chủ trì phiên họp thứ 29 của Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng, nhấn mạnh công tác khen thưởng cần hướng tới những người lao động trực tiếp có sáng kiến độc đáo và thành tích nổi bật, không xét danh hiệu chiến sĩ thi đua đối với cán bộ lãnh đạo từ cấp tỉnh trở lên.

Lưu ý về những tồn tại và hạn chế trong công tác thi đua-khen thưởng như phong trào thi đua đã phát động nhưng chưa được duy trì thường xuyên, liên tục; một số bộ, ngành, địa phương còn nặng nề về khen thưởng nhưng chất lượng khen thưởng chưa cao, Thủ tướng chỉ đạo xây dựng bộ máy thi đua-khen thưởng có trình độ và trách nhiệm cao, trong đó Trưởng Ban thi đua cấp tỉnh phải là Phó giám đốc Sở Nội vụ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ trong 6 tháng đầu năm, công tác thi đua-khen thưởng đã góp phần thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội của đất nước, tạo ra các phong trào thi đua, các gương điển hình tiên tiến. Đặc biệt, các phong trào thi đua gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Tuổi trẻ hành động vì an sinh xã hội”…đã xây dựng các điển hình tốt, từ đó công tác thi đua-khen thưởng đi vào thực chất và hiệu quả.

Đề cập tới các nhiệm vụ của công tác thi đua-khen thưởng 6 tháng cuối năm, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và địa phương tiếp tục duy trì phong trào thi đua đa dạng trong từng ngành, khối và lĩnh vực nhằm hoàn thành vượt mức kế hoạch đã đề ra, trong đó tập trung ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng khoảng 5%, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm những ngày lễ lớn trong năm 2010.

Thủ tướng cũng lưu ý các phong trào thi đua cần có nội dung cụ thể hơn, đặc biệt là gắn phong trào thi đua với công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến và tặng thưởng Huy hiệu Bác Hồ cho các cá nhân có thành tích trong thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Trong công tác khen thưởng cần thực hiện chặt chẽ hơn, theo đúng các quy định hiện hành, khen thưởng cho xứng đáng với hình thức trang trọng mà thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả.

Thủ tướng đề nghị Hội đồng Thi đua-Khen thưởng trung ương nghiên cứu xây dựng qui chế xét tặng các danh hiệu, nhất là danh hiệu anh hùng cần công khai nhằm tạo đồng thuận trong xã hội và khi được danh hiệu anh hùng thì phải có những hoạt động thiết thực, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra từng cụm, khối, địa phương để kịp thường khen thưởng những điển hình tiên tiến, nhất là những người lao động trực tiếp.

Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm tới công tác thi đua-khen thưởng, thực hiện đúng quy định về tổ chức, bộ máy với đội ngũ cán bộ có trách nhiệm và tâm huyết với công việc, sớm hoàn thiện qui chế xét tặng các danh hiệu nhằm đảm bảo chặt chẽ, chất lượng.

Với khẩu hiệu “Cả nước chung sức, đồng lòng, chia sẻ khó khăn, thi đua giành thắng lợi”, trong 6 tháng qua cả nước đã phát động nhiều phong trào thi đua sôi nổi với nhiều hình thức phong phú như: Bộ Quốc phòng mở đợt thi đua cao điểm “ Sáng mãi Điện Biên”, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động phong trào Tháng thanh niên “Tuổi trẻ hành động vì an sinh xã hội".

Các bộ, ngành và địa phương đã có nhiều hình thức tuyên truyền, nêu gương các điển hình tiên tiến như hội nghị tuyên dương “Người thợ trẻ toàn quốc”, chương trình “Vinh quang Việt Nam”… đã thực sự khích lệ, nêu gương các điển hình góp phần động viên mọi tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lập được nhiều thành tích, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và chăm lo cải thiện đời sống nhân dân./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục