Nga, Trung mong 1 giải pháp hòa bình cho Ai Cập

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này hy vọng Ai Cập tìm ra phương thức thoát khỏi khủng hoảng một cách hòa bình.
Tiếp tục phản ứng trước cuộc khủng hoảng tại Ai Cập, ngày 12/2, Nga đã kêu gọi người dân Ai Cập tăng cường thể chế dân chủ và không sử dụng bạo lực.

Trong phản ứng đầu tiên trước việc Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak từ chức, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich nói: "Chúng tôi hy vọng Ai Cập tìm ra phương thức thoát khỏi khủng hoảng một cách hòa bình, lưu ý tới lợi ích của tất cả người dân, cũng như nhằm tăng cường các chuẩn mực dân chủ tại quốc gia Arập này."

Mátxcơva phản đối sự can thiệp từ bên ngoài, cho rằng người dân Ai Cập cần tự quyết định tương lai của họ.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng tuyên bố muốn thấy ổn định và trật tự công cộng sớm quay trở lại ở Ai Cập sau khi Tổng thống Mubarak từ chức.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc nói: "Trung Quốc hy vọng rằng diễn biến mới nhất này sẽ giúp Ai Cập khôi phục sự ổn định và trật tự công cộng của quốc gia sớm nhất có thể. Trung Quốc vẫn rất quan tâm tới diễn biến và những thay đổi tình hình tại Ai Cập, đồng thời tin rằng quan hệ Trung Quốc-Ai Cập sẽ có thể duy trì ổn định và lành mạnh."

Chính phủ lâm thời Tunisia tuyên bố hoan nghênh việc Tổng thống Mubarak từ chức và chuyển giao quyền lực cho Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang. Chính phủ Yemen thì nói nước này tôn trọng sự lựa chọn của người dân Ai Cập và cam kết ủng hộ chế độ hậu Mubarak.

Nhật báo Al-Baath của Đảng Baath cầm quyền tại Syria bình luận sự ra đi của ông Mubarak sẽ thay đổi "bộ mặt của Ai Cập, của khu vực và cả thế giới."

Tổng thống Mubarak và gia đình đã rời thủ đô Cairo từ một căn cứ không quân ở ngoại ô tới Charm El-Sheikh bên bờ Biển Đỏ, nơi ông Mubarak có một dinh thự riêng.

Theo kênh truyền hình Al-Arabia, Thụy Sĩ đã phong tỏa toàn bộ tài sản của ông Mubarak./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục