Nâng cao chất lượng và hiệu lực quản lý giáo dục

Việc sửa đổi Luật Giáo dục tập trung vào những vấn đề bức xúc, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động giáo dục.
Chiều 23/10, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Ngoài ra, Quốc hội cũng họp về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng; Dự án Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Tờ trình dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2010.

Phổ cập giáo dục bậc mầm non 5 tuổi

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã đọc tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Theo đó, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục liên quan đến 22 điều trong tổng số 120 điều của Luật, bổ sung mới 1 mục vào Chương VII gồm 03 điều mới.

Các nội dung sửa đổi, bổ sung cụ thể gồm chương trình giáo dục; phổ cập giáo dục; về đầu tư trong lĩnh vực giáo dục; cán bộ quản lý giáo dục; sách giáo khoa; giáo trình giáo dục nghề nghiệp và giáo trình giáo dục đại học; thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ; cơ sở giáo dục đại học...

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, Luật Giáo dục hiện hành bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để tăng cường hiệu lực thi hành và để phù hợp hơn với thực tiễn.

Vì vậy, việc sửa đổi Luật Giáo dục lần này tập trung vào những vấn đề thực sự bức xúc mà thực tiễn đòi hỏi, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục và hiệu lực quản lý giáo dục.

Ủy ban nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung quy định "phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi" vào khoản 1, Điều 11 của Luật hiện hành quy định về phổ cập giáo dục. Việc bổ sung này nhằm tạo cơ sở cho việc triển khai giải pháp tập trung cho trẻ 5 tuổi có điều kiện chuẩn bị bước vào họp lớp 1 và thể hiện tính ưu việt của chế độ, khẳng định thành tựu Quốc gia trong việc giáo dục và chăm sóc trẻ em.

Ủy ban cũng nhất trí bổ sung công khai tiêu chuẩn chất lượng giáo dục vào nhiệm vụ của nhà trường (khoản 1, Điều 58 Luật hiện hành), quy định nhà trường phải "Công bố công khai mục tiêu, chương trình giáo dục, nguồn lực và tài chính, kết quả đánh giá chất lượng giáo dục và hệ thống văn bằng, chứng chỉ của nhà trường". Quy định bổ sung này sẽ góp phần định hướng tốt hơn cho người học trong việc lựa chọn cơ sở giáo dục, tăng khả năng giám sát của xã hội đối với nhà trường.

Tuy nhiên Ủy ban cho rằng, cần tách quy định về nội dung nhà trường phải công khai thành một khoản riêng và quy định rõ hình thức, đối tượng được công khai, đồng thời bổ sung chế tài xử lý trách nhiệm nếu nhà trường công bố thông tin sai sự thật hoặc không thực hiện đúng cam kết.

Ủy ban cũng cho rằng quy định về điều kiện thành lập nhà trường và điều kiện cho phép hoạt động giáo dục quy định trong Dự thảo Luật còn chưa rõ ràng, thiếu chặt chẽ.

Về quy định cho phép Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập trường đại học nêu trong Dự thảo Luật, Ủy ban cho rằng việc thành lập trường đại học liên quan đến chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển giáo dục và đào tạo quốc gia, nên thẩm quyền này phải do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Tuy nhiên, Ủy ban ủng hộ giao cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo được quyền cấp phép hoạt động giáo dục cho trường đại học đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.

Giảm thuế suất Giá trị gia tăng đối với nhà ở cho người có thu nhập thấp

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp trình Quốc hội gồm 3 điều, sửa đổi bổ sung điều 8 của Luật thuế Giá trị gia tăng và điều 13, 14 Luật thu nhập doanh nghiệp.

Các đối tượng được áp dụng trong Dự thảo Luật là các doanh nghiệp có dự án xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp và người có thu nhập thấp

Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, đa số thành viên trong Ủy ban nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật thuế Giá trị gia tăng và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp để nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc trong việc giải quyết vấn đề nhà ở cho sinh viên, công nhân, người thu nhập thấp và khuyến khích đầu tư phát triển nhà cũng như đầu tư mở rộng vào các lĩnh vực, địa bàn kinh tế-xã hội khó khăn.

Đa số thành viên Ủy ban đồng ý với việc sửa đổi áp dụng mức thuế suất Giá trị gia tăng đối với nhà ở cho học sinh, sinh viên, công nhân tại các khu công nghiệp và nhà ở có thu nhập thấp xuống 5% thay cho 10% như Luật hiện hành.

Ủy ban cơ bản nhất trí với nội dung sửa đổi trong dự thảo Luật mở rộng quy định về ưu đãi cho các dự án xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp và người có thu nhập thấp mà không phụ thuộc vào địa bàn đầu tư và đề nghị của Chính phủ về mở rộng ưu đãi đối với dự án đầu tư mở rộng của doanh nghiệp.

Dự kiến hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2010

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2010.

Năm 2010, bên cạnh các nội dung giám sát tối cao thường kỳ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét và đưa vào chương trình giám sát tối cao của Quốc hội hai nội dung.

Đó là giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với các hệ giáo dục cao đẳng, đại học, sau đại học (tại kỳ họp thứ 7); giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 (tại kỳ họp thứ 8).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hai nội dung nêu trên cần được đưa vào chương trình giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2010 vì đó là những vấn đề nổi lên trong đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, được cử tri quan tâm.

Sáng 24/10, Quốc hội thảo luận tại tổ vê Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục