Di sản Thăng Long-Hà Nội: Quý giá mà vắng vẻ

Tinh hoa văn hóa đất kinh kỳ đang hội tụ tại Trung tâm Triển lãm Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam nhưng sao gần chính hội vẫn vắng vẻ?
Tiếp nối chuỗi sự kiện chào mừng Thủ đô tròn 1.000 năm tuổi, Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam lần thứ VI diễn ra từ ngày 20-24/11. Nhưng chính đây lại là sự thách thức. Người dân Hà Nội vừa chứng kiến những ngày đại lễ tưng bừng nên việc tiếp tục tham dự ngày hội di sản sau Đại lễ cũng bớt mặn mà chăng?

Theo quan sát của phóng viên Vietnam+, trong ngày Chủ nhật 21/11/2010, triển lãm còn quá thưa vắng khiến những người tâm huyết vì văn hóa dân tộc hẳn không khỏi thấy tiếc và lo lắng...

Thật ý nghĩa và tầm vóc nhưng...

Ngày Di sản Việt Nam lần thứ VI do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11/2010. Có thể nói tinh hoa văn hoá đất kinh kỳ đang hội tụ tại Trung tâm Triển lãm Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam. Đến với triển lãm, ai cũng có thể nhận thấy cơ hội đắm mình trong văn hóa truyền thống nhưng điều đáng nói là làm sao để nhiều người biết đến để cùng tham gia cuộc triển lãm rất đáng quý này.

Với chủ đề “Dấu ấn Thăng Long-Hà Nội và Tuổi trẻ với Di sản Văn hoá Việt Nam”, Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam lần thứ VI đã bắt đầu với nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm, giao lưu, lễ hội như: Khu trưng bày Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội giới thiệu tổng quát về Hoàng thành Thăng Long - Di sản văn hóa Thế giới vừa được UNESCO công nhận. Thế nhưng theo chúng tôi chứng kiến thì phần trưng bày tuy đẹp nhưng không có nhiều người xem như mong muốn của Ban tổ chức.

Cũng ở phần giới thiệu di sản, sẽ có triển lãm Cổ vật Thăng Long, giới thiệu 500 cổ vật, đặc biệt có nhiều cổ vật lần đầu tiên được trưng bày. Hệ thống cổ vật trưng bày theo thời kỳ từ cổ vật Đông Sơn đến cổ vật thuộc 10 thế kỷ đầu Công nguyên, từ thời Đinh, Lê, Lý, Trần đến thời Nguyễn đầu thế kỷ XX.

Em Hương, sinh viên trường Đại học Khoa học Xã Hội và Nhân văn có mặt nói: "Em thấy tiếc vì đi ngang qua thì phát hiện ra và vào xem chứ không nắm được thông tin để rủ các bạn cùng đến. Chúng em có thể học được ở đây khá nhiều điều. Giá như Đoàn trường tổ chức thành hoạt động tập thể thì tốt quá. Em thấy triển lãm hay thế này mà vắng cũng phí!"

Tại các khu vực trưng bày cho thấy triển lãm lần này là điểm đến thú vị nhưng chưa có nhiều người đến. Trong một không gian trưng bày trang trọng và rộng mở, nội dung lớn được thực hiện là giới thiệu về Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam, nơi đào tạo nhân tài, hiền sĩ cho đất nước.

Phần trưng bày được thiết kế, chọn lọc với mô hình toàn cảnh Khuê Văn Các, Các hoành phi câu đối, gánh sách học trò, Bia Tiến sỹ, bảng danh sách Trạng nguyên, trang phục nho sinh, tôn vinh Nhà giáo Chu Văn An và hình ảnh về nghề dạy học và thi cử thời xưa...

Điểm nhấn là phần giới thiệu về hệ thống 82 Bia Tiến sỹ. Hồ sơ bia đá các khoa thi Tiến sỹ Triều Lê-Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã được công nhận là Di sản tư liệu thế giới thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Chúng tôi gặp mấy nhân viên phòng trưng bày đứng nhàn rỗi, nói chuyện phiếm cùng nhau mà nghĩ giá như đông khách hơn họ sẽ được sử dụng những năng lực giới thiệu của mình. Một người cho biết: "Chắc ngày mai, ngày kia sẽ đông hơn. Vì hôm khai mạc cũng không vắng thế này."

Theo quan sát của chúng tôi nhà khu vực “Tinh hoa ẩm thực Hà Nội” chưa được triển khai hấp dẫn như mong đợi. Khách đến triển lãm mà háo hức với khu vực này có lẽ sẽ thất vọng ít nhiều. Có lẽ chờ chính hội sẽ rộn ràng ẩm thực hơn chăng?

Các hành lang của hai dãy nhà nối trong triển lãm là phần trưng  bày những hình ảnh ghi lại dấu ấn, những khoảnh khắc đáng nhớ của Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Các nhà thư pháp thì sẵn sàng cho chữ đẹp, người giới thiệu chờ khách đến xem để tậm tâm. Nhưng tới 10-11 giờ sáng Chủ nhật (sau hai ngày mở cửa) vẫn vắng vẻ.

Ngoài trời là  khu trưng bày tinh hoa thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, giới thiệu các sản phẩm tinh xảo, độc đáo được làm nên từ trí tuệ và đôi bàn tay tài khéo của các nghệ nhân. Nhưng chúng tôi lại gặp cảnh vắng quá, chủ gian trưng bày đứng thắp hương cầu khách hàng giống ở chợ vậy.

Hy vọng đành chờ... chính hội

Hứa hẹn sự tưng bừng sẽ đến từ phần trình diễn văn hóa nghệ thuật truyền thống, thao diễn tay nghề, giới thiệu văn hóa ẩm thực Hà Nội, trò chơi dân gian... Lễ rước và nghi thức dâng hương Tổ nghề, dâng hương Thành hoàng làng (theo đúng nghi lễ dân gian) của làng cổ Hà Nội.

Được biết,  “Ngày về nguồn 23/11” sẽ có các hoạt động dành cho tuổi trẻ như thi vẽ tranh danh lam thắng cảnh nổi tiếng Hà Nội, giao lưu nghệ thuật truyền thống do học sinh - sinh viên biểu diễn, hoạt động của thanh niên, sinh viên với Chủ đề “Tuổi trẻ với Di sản văn hóa Việt Nam”. Hy vọng chương trình này có học sinh, sinh viên tham dự sẽ làm không khí "nóng" hơn lên và thực sự có ý nghĩa giáo dục bảo tồn, phát huy vốn quý của văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ.

Theo kế hoạch, được biết các hoạt động mừng ngày di sản nhân Thủ đô ngàn tuổi sẽ rất ấn tượng với “Đêm Di sản” và trao Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa cho Khu Di tích Pác Bó (Cao Bằng) của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, chương trình do Ban Tổ chức phối hợp Đài Truyền hình Trung ương truyền hình trực tiếp tại Sân khấu Âu Cơ, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam vào tối 23/11/2010./.
Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục