Vụ sập nhà ở Bangladesh: Ít nhất 247 người đã chết

Một quan chức cảnh sát Bangladesh cho biết đã tìm thấy 247 thi thể và e rằng còn nhiều nạn nhân bị chôn vùi sau vụ sập nhà.
Những nỗ lực cứu hộ trong vụ sập nhà kinh hoàng ở Bangladesh đã có được thành công đáng kể khi tối 25/4, một phát ngôn viên quân đội cho biết hàng chục công nhân được cứu thoát từ đống đổ nát.

Ban đầu, thông tin nói rằng lực lượng cứu hộ phát hiện và giải cứu được khoảng 40 công nhân cùng bị kẹt trong một căn phòng. Sau đó, con số thực tế được khẳng định là 24 người sống sót.

Tin tức đáng mừng này được hàng chục nghìn người tại hiện trường chào đón với hy vọng thân nhân của mình nằm trong số những công nhân may mắn đó.

Tuy nhiên, trong ngày 25/4, con số thương vong của vụ sập nhà đã tăng gần gấp đôi. Một quan chức cảnh sát Bangladesh cho biết đã tìm thấy 247 thi thể và e rằng còn nhiều nạn nhân bị chôn vùi.

Theo lời các nhân viên cứu hộ, họ vẫn có thể nghe thấy những tiếng kêu cứu từ một số nơi phía dưới đống bêtông đổ nát. Lực lượng tình nguyện tìm cách đưa nước, thực phẩm xuống cho các nạn nhân thông qua các khe hở. Theo kế hoạch, hoạt động cứu hộ sẽ được tiến hành suốt đêm với hy vọng tìm thêm nhiều người sống sót.

Trong khi những nỗ lực cứu hộ vẫn đang được khẩn trương xúc tiến, Bangladesh ngày 25/4 đã để quốc tang với những lá rủ khắp nơi. Vụ việc bi thảm này xảy ra vào sáng 24/4 theo giờ địa phương ở ngoại ô thủ đô Dhaka.

Tòa nhà 8 tầng với nhiều xưởng may đổ sập chỉ trong vài phút, khiến hầu hết công nhân không kịp chạy thoát. Theo lời kể của những người sống sót, một số vết nứt đã được phát hiện trong tòa nhà từ tối 23/4.

Giới chức cảnh sát tại đây cho biết đã kiểm tra các vết nứt và yêu cầu đóng cửa các xưởng may, song các chủ cơ sở kinh doanh đã không chấp hành yêu cầu và buộc công nhân trở lại làm việc.

Tai nạn xảy ra chỉ một giờ sau khi các công nhân đi vào tòa nhà.Theo ước tính, khoảng 3.000 lao động (chủ yếu là nữ) làm việc tại đây.

Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã nhấn mạnh những đối tượng liên quan, đặc biệt là các chủ cơ sở buộc công nhân trở lại làm việc, sẽ bị trừng phạt thích đáng trước pháp luật.

Tai nạn vừa qua đã một lần nữa gióng hồi chuông cảnh báo vấn đề an toàn lao động tại Bangladesh, đặc biệt là điều kiện làm việc nghèo nàn của ngành dệt may tại quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới này. Theo các tổ chức về lao động, đây là tai nạn nhà máy nghiêm trọng nhất trong lịch sử Bangladesh.

Trước đó, cũng tại Dhaka hồi tháng 11/2012, một vụ nổ lớn tại một nhà máy dệt may đã làm 111 người thiệt mạng với nguyên nhân các thiết bị an toàn không đạt chuẩn và cửa thoát hiểm bị khóa./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục