"Giải quyết khủng hoảng ở Syria thông qua chính trị"

Đại diện thường trực của Nga tại LHQ tuyên bố, cách duy nhất để giải quyết tình hình ở Syria là thông qua một tiến trình chính trị.
Theo Tân Hoa xã, ngày 12/12, đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc, ông Vitaly Churkin tuyên bố "cách duy nhất để giải quyết tình hình tại Syria là thông qua một tiến trình chính trị do người Syria đóng vai trò chủ đạo", có nghĩa là tất cả các bên tại quốc gia Trung Đông này tham gia nỗ lực chung để chấm dứt khủng hoảng chính trị hiện nay qua đối thoại.

Ông Churkin nhấn mạnh Nga ủng hộ những nỗ lực giải quyết khủng hoảng thông qua đối thoại, hơn là thúc đẩy thay đổi chế độ tại một nước thành viên của Liên hợp quốc.

Mỹ, Pháp, Anh, Đức đang thúc đẩy đưa vấn đề Syria trở lại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Hồi đầu tháng 10, Nga và Trung Quốc, hai thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, đã phủ quyết một dự thảo nghị quyết do châu Âu soạn có nội dung đe dọa trừng phạt Syria.

Theo ông Churkin, một số thành viên chủ chốt trong Hội đồng Bảo an đang nhằm tới việc thay đổi chế độ tại Syria, ngăn cản đối thoại trong nội bộ Syria cũng như giữa Syria với Liên đoàn Arập (AL). Ông Churkin nhấn mạnh Nga cho rằng chính sách như vậy rất nguy hiểm.

Những phát biểu của ông Churkin được đưa ra sau cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tình hình Syria. Tại cuộc họp, người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền, bà Navi Pillay thông báo đã có hơn 5.000 người thiệt mạng vì bạo lực leo thang tại Syria, cho rằng tình hình tại Syria đã đến mức "không thể chịu nổi", đồng thời đề nghị Hội đồng Bảo an chuyển cho Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) xem xét hành động trấn áp người biểu tình của chính quyền Syria. Do Syria không ký hiệp ước công nhận ICC, chỉ Hội đồng Bảo an mới có thể chuyển vụ việc sang tòa án này, như đối với trường hợp Libi năm nay.

Sức ép tiếp tục gia tăng từ phương Tây, khi đại diện của Pháp tại Liên hợp quốc,Gerard Araud ngày 12/12 cho rằng Hội đồng Bảo an phải chịu "trách nhiệm đạo đức" đối với những người thiệt mạng ở Syria vì không lên án hành động trấn áp người biểu tình. Pháp là một trong những tiếng nói chỉ trích Syria mạnh mẽ nhất.

[Tuần hành, bạo lực nổ ra ở nhiều thành phố Syria]

Căng thẳng tại Syria bắt đầu từ tháng Ba khi những người biểu tình xuống đường phản đối chính quyền của Tổng thống Basa Bashar al-Assad. Bạo lực leo thang sau đó và lực lượng an ninh bị cáo buộc đã nổ súng vào người biểu tình. Trong khi đó, chính quyền Syria lên án các nhóm khủng bố vũ trang được nước ngoài hậu thuẫn là thủ phạm gây hỗn loạn nhằm lật đổ Tổng thống Assad.

Cũng trong ngày 12/12, đại diện thường trực của Syria tại Liên hợp quốc, ông Bashar al-Ja'afari cho các phóng viên biết kể từ khi bắt đầu xảy ra khủng hoảng, chính quyền Syria đã gửi 16 bức thư tới Tổng thư ký Liên hợp quốc, Chủ tịch Hội đồng Bảo an, Giám đốc Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền. Tuy nhiên, theo ông Ja'afari, những thông tin mà chính quyền Syria cung cấp không được bà Pillay đưa vào báo cáo tại Hội đồng Bảo an, cụ thể là không nêu những hành động bạo lực từ các nhóm vũ trang đối lập./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục