Chứng khoán châu Á giảm mạnh nhất sau 2 tháng

Chứng khoán châu Á có mức giảm theo ngày mạnh nhất trong hai tháng khi các nhà đầu tư lo ngại về khả năng tái cơ cấu nợ của Hy Lạp.
Chứng khoán châu Á có mức giảm theo ngày mạnh nhất trong hai tháng trong phiên giao dịch ngày 16/5, khi các nhà đầu tư tránh các tài sản rủi ro, do lo ngại về khả năng tái cơ cấu nợ của Hy Lạp, đặc biệt là sau khi Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn bị bắt trong một vụ bê bối liên quan đến tình dục.

Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 1,3%, nối dài đà mất điểm trong hai tuần và là mức giảm theo ngày lớn nhất kể từ giữa tháng Ba vừa qua.

Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 315,64 điểm, hay 1,36%, xuống 22.960,63 điểm. Chỉ số S&P/ASX200 của Australia giảm 61,4 điểm, hay 1,3%, xuống 4.650 điểm, mức thấp nhất trong hai tháng. Chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản giảm 90,47 điểm, hay 0,94%, xuống 9.558,3 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 21,96 điểm, hay 0,76%, xuống 2.849,07 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 15,9 điểm, hay 0,75%, xuống 2.104,18 điểm.

Lo ngại về khả năng tái cơ cấu nợ của Hy Lạp trở lại khi những phát biểu cuối tuần trước của Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble ảnh hưởng tới niềm tin của các nhà đầu tư. Ông Schaeuble cho biết Hy Lạp có thể được gia hạn nợ nếu các tổ chức tín dụng tư cũng vào cuộc.

Đã nhận được gói cứu trợ trị giá 110 tỷ euro (155 tỷ USD) trong mùa Xuân 2010, song suy thoái nghiêm trọng đã làm phức tạp những nỗ lực của Hy Lạp trong việc ổn định tình hình tài chính.

Những lo ngại về tình hình của các nước thuộc khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) đang lâm nợ có thêm cơ sở khi ông Strauss-Kahn bị bắt vì cáo buộc "tấn công tình dục." Vụ bê bối này khiến việc IMF mở rộng gói cứu trợ cho Hy Lạp trở nên thiếu chắc chắn.

Trong khi đang dẫn đầu các nỗ lực trợ giúp một số nước Eurozone thoát khỏi tình thế khó khăn về tài chính hiện nay, vụ bắt giữ ông Strauss-Kahn cũng sẽ buộc ban điều hành IMF hoãn cuộc họp về việc cứu trợ Bồ Đào Nha.

Hy Lạp được nhận định sẽ vẫn cần thêm các khoản cứu trợ từ các nước láng giềng và IMF. Tuy nhiên, các nước châu Âu có thể sẽ yêu cầu nước này tiến hành các biện pháp cắt giảm ngân sách mạnh mẽ hơn thay vì cấp thêm viện trợ. Những lựa chọn khác cho Hy Lạp có thể là việc gia hạn hoặc xóa nợ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục