Cân nhắc kỹ việc tổ chức lưu trữ lịch sử ở 2 cấp

Thảo luận dự Luật lưu trữ, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị ban soạn thảo Luật nên cân nhắc kỹ việc tổ chức lưu trữ lịch sử ở 2 cấp.
Tại phiên thảo luận sáng 21/10 tại hội trường của Quốc hội dự thảo Luật lưu trữ, về phần tổ chức lưu trữ lịch sử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng chỉ nên quy định chỉ tổ chức lưu trữ lịch sử 2 cấp (Trung ương và cấp tỉnh) là phù hợp.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tổ chức cấp lưu trữ lịch sử như trên sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho tập trung nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, hiện đại hóa kho tàng, trang thiết bị làm việc để bảo quản an toàn và tổ chức sử dụng có hiệu quả tài liệu lưu trữ đồng thời đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy, giảm cấp trung gian, góp phần thực hiện cải cách hành chính.

Đồng tình với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng, cần nghiên cứu thêm quy định về việc sắp xếp và chuyển giao lưu trữ tại cấp huyện, cấp tỉnh, tránh tình trạng khi luật có hiệu lực thi hành nhưng chuyển giao thực hiện không kịp thời, gây ra tình trạng thất thoát và hư hỏng tài liệu lịch sử cũng như không giải quyết tốt các vấn đề về việc làm, tài sản...đang được quản lý ở cấp huyện.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến đề nghị tổ chức lưu trữ lịch sử ở 3 cấp (Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện) như quy định hiện hành.

Đại biểu Trần Hồng Thắm (thành phố Cần Thơ) cho rằng, tổ chức lưu trữ ở 2 cấp là chưa phù hợp, vì chưa đảm bảo tính dự báo, tính bền vững của Luật, trong thời gian ngắn sẽ quá tải, phát sinh nhiều bất cập mới.

Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) đề nghị cần cân nhắc kỹ, đánh giá đúng những ưu điểm và hạn chế, không thể dễ dàng bỏ lưu trữ ở cấp huyện vì thực tiễn tài liệu lưu trữ ở cấp này rất phong phú và đa dạng. Lưu trữ lịch sử cấp huyện sẽ tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận để khai thác, nhất là người dân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cũng cho rằng, nguồn nộp lưu tại lưu trữ cấp huyện khá nhiều và khác nhau, nếu đưa lên cấp tỉnh sẽ quá tải, trong khi lợi ích của công tác lưu trữ là phục vụ cho sử dụng, nếu cấp huyện có lưu trữ sẽ giúp ích rất nhiều cho công tác nghiên cứu.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Cương, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rắng mức độ lưu trữ ở huyện cũng không phải là ít, nhu cầu cung cấp để khai thác cũng nhiều, nếu chỉ lưu trữ cấp tỉnh sẽ tỉnh quá tải. Mặt khác, có rất nhiều tài liệu cần lưu trữ ở huyện nên nếu chỉ tính đến đầu tư, giảm biên chế mà không tính đến lượng người bỏ công về tỉnh để khai thác cũng chưa phù hợp. Đại biểu đề nghị cần có lưu trữ ở cấp huyện để tiện lợi cho việc khai thác, tăng thêm lưu trữ, giảm bớt phiền hà cho những người cần khai thác.

Có quan điểm khác với các ý kiến trên, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng không nên thành lập cơ quan lưu trữ ở cấp huyện mà nên quy về cấp tỉnh để cái nhìn tổng quát hơn, vừa bảo đảm yếu tố hạn chế bộ máy công chức cồng kềnh đồng thời phát huy vai trò chủ yếu của cấp huyện là phục vụ vấn đề đời sống phát triển đương đại.

Về các nội dung khác của dự thảo Luật lưu trữ, các đại biểu cơ bản đồng tình với những tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung của cơ quan soạn thảo trong quá trình hoàn thiện. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật tiếp tục quy định về Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam bao gồm Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam và Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam.

Quy định Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam và Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam chỉ nhằm phân biệt nơi nộp lưu và bảo quản tài liệu lưu trữ lịch sử của các cơ quan, tổ chức nhưng về nghiệp vụ lưu trữ và việc quản lý về lưu trữ được thực hiện theo một cơ chế quản lý thống nhất về lưu trữ. Về vấn đề này, đại biểu Trần Hồng Thắm (Cần Thơ) cho rằng, hai phông lưu trữ được lưu giữ một nơi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thiện cơ sở vật chất, phòng ngừa thất thoát tài liệu, bộ máy quản lý tài liệu được tinh gọn.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần có những quy định chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo tính bảo mật thông tin đối với phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng, không nên phân chia và nhấn mạnh lưu trữ của Đảng Cộng sản Việt Nam bên cạnh phông lưu trữ của Nhà nước Việt Nam mà chỉ coi lưu trữ của Đảng Cộng sản Việt Nam như lưu trữ của các ngành đặc biệt như quân đội nhân dân và công an nhân dân.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, dự thảo Luật có 45 điều nhưng có tới 15 điều giao cho Chính phủ và Bộ Nội vụ quy định chi tiết, sẽ phải mất thời gian khá dài mới đi vào được cuộc sống. Để khắc phục tình trạng luật khung, luật ống, cần quy định chi tiết ngay trong luật nhiều quy định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục