Trao đổi cách vận động bầu cử của ứng cử viên trẻ

Các ứng cử viên trẻ của Hà Nội được các chuyên gia hưóng dẫn, chia sẻ cách thức xây dựng chương trình hành động vận động bầu cử.
Tối 4/5, tại Trung tâm văn hóa thành phố Hà Nội (số 4 Phùng Hưng, quận Hà Đông), Thành đoàn Hà Nội tổ chức tọa đàm “Phương pháp xây dựng chương trình hành động và vận động bầu cử của ứng cử viên trẻ đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.”

Đến dự có ông Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cùng gần 500 ứng viên đại diện cho gần 2.000 ứng viên trẻ Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp của thành phố Hà Nội.

Chương trình nhằm giúp cho các ứng cử viên trẻ có thêm kinh nghiệm và phương pháp tốt trong xây dựng chương trình hành động và vận động bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ 2011-2016.

Tại đây, các ứng viên trẻ đã được quán triệt, tìm hiểu kỹ các chuyên đề về Hội đồng Nhân dân và đại biểu Hội đồng Nhân dân, chức năng, tổ chức, quyền hạn; xây dựng chương trình hành động của ứng cử viên Hội đồng Nhân dân, ý nghĩa tầm quan trọng của bản chương trình hành động; kỹ năng trình bày chương trình hành động trước cử tri; kinh nghiệm tiếp xúc cử tri vận động tranh cử.

Ngoài ra, các ứng viên trẻ còn được nghe Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Hồng Hà và đại diện Ban pháp chế Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội chia sẻ về phương pháp, kinh nghiệm xây dựng chương trình hành động, cách thức tiếp xúc cử tri và vận động bầu cử, kỹ năng nói cho người khác nghe...

Theo các đại biểu, mỗi ứng viên trẻ cần nghiên cứu tình hình địa phương nơi ứng cử, nhu cầu và nguyện vọng của cử tri, trong đó cần mạnh dạn, tự tin và cởi mở trong tiếp xúc, gặp gỡ cử tri để có thể được cử tri bầu chọn. Đặc biệt, nhiều ứng cử viên trẻ đã nêu một số câu hỏi, băn khoăn thắc mắc và được các đại biểu giải đáp, truyền đạt kinh nghiệm từ các kỳ bầu cử trước, xoay quanh những nội dung như phương pháp, kỹ năng vận động để cử tri tin tưởng bầu chọn, cách khắc phục nhược điểm của người trẻ do bị yếu thế về năng lực, giao tiếp hạn chế và thêm sự cục bộ của dòng họ, địa phương.

Đến nay, thành phố Hà Nội có gần 2.000 người trẻ tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, trong đó có 7 người (dưới 40 tuổi) tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội, 27 người (dưới 35 tuổi) tham gia ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội./.

Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục