“Thúc” tiến độ phân luồng vận tải đi đường HCM

Thúc đẩy tiến độ phân luồng vận tải đường HCM

Tổng cục Đường bộ đang tập trung tìm giải pháp để thúc đẩy triển khai việc khai thác đường Hồ Chí Minh nhằm giảm tải cho Quốc lộ 1.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, giai đoạn 1 của việc khai thác hiệu quả đường Hồ Chí Minh nhằm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1 những tuần đầu chậm do nhiều đơn vị vận tải đề nghị hoãn hoặc lùi thời gian triển khai.

Những khó khăn doanh nghiệp đưa ra là không có khách ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh; không có dịch vụ ăn uống, sửa chữa, cứu hộ, sơ cấp cứu … trên dọc tuyến.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã liên tục có công văn triển khai, hướng dẫn đến 33 Sở Giao thông Vận tải, 414 xe của 151 đơn vị vận tải để thực hiện phân luồng, điều chỉnh hành trình các tuyến vận tải.

Tuy nhiên, quá trình phân luồng đường Hồ Chí Minh vẫn chưa nhận được sự hưởng ứng của các doanh nghiệp và các Sở Giao thông địa phương.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, việc phải bắt buộc một số loại xe di chuyển qua đường Hồ Chí Minh không phải chủ trương mới của Bộ Giao thông Vận tải mà vì Quốc lộ 1 đã ở tình trạng quá tải và đang sửa chữa nâng cấp. Do vậy, sẽ ảnh hưởng đến tốc độ lưu thông của các xe lưu thông đường dài.

Thứ trưởng Đông cũng cho biết thêm, đề án nghiên cứu của Viện Chiến lược Giao thông Vận tải vẫn để xe thông thường như xe con, xe tải có thể lựa chọn hành trình theo đường Hồ Chí Minh hoặc đường Quốc lộ 1. Tuy nhiên, theo nghiên cứu dù đường Hồ Chí Minh từ Hà Nội – Vinh dài hơn 60 km so với đường Quốc lộ 1 nhưng chi phí chạy xe ít hơn, đặc biệt là với xe chạy đường dài.

“Khó khăn chỉ xảy ra đối với các xe chặng ngắn từ Hà Nội – Vinh hay dừng, trả khách dọc đường nếu bắt buộc phải điều chỉnh hành trình,” thứ trưởng Đông thừa nhận.

Về các dịch vụ kèm theo như trạm xăng, trạm nghỉ trên hành trình, Thứ trưởng Đông cho rằng, dịch vụ toàn tuyến cơ bản đoạn từ Hà Nội-Vinh đã đầy đủ, không có vấn đề gì lớn, chỉ có đoạn từ Quảng Trị-Kon Tum còn vấn đề. Bộ cũng đã  giao cho Tổng cục Đường bộ và các Sở Giao thông Vận tải bổ sung, nâng cấp.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đông, để việc phân làn có hiệu quả, các cơ quan chức năng cần có chế tài mạnh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải đã được yêu cầu điều chỉnh đi theo tuyền đường mới.

Trong thời gian đầu tháng 3, Tổng cục Đường bộ sẽ có các cuộc làm việc với các sở Giao thông Vận tải cùng các đơn vị vận tải để tiếp tục quán triệt và giải quyết các vướng mắc trong tổ chức thực hiện.

Tổng cục cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có văn bản yêu cầu Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố dọc tuyến đường Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải và các cấp chính quyền địa phương phối hợp với các đơn vị quản lý đường, thanh tra đường bộ tăng cường công tác tuyên truyền về việc nhân dân dọc tuyến không lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, không phơi rơm rạ, chăn thả gia súc, bán hàng nông sản và phơi ngô, sắn... gây mất an toàn giao thông cho người, phương tiện tham gia giao thông./.

Giai đoạn 1 Đề án tổ chức khai thác hiệu quả đường Hồ Chí Minh để nhằm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên Quốc lộ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam được thực hiện từ ngày 1/2.

Theo đó, toàn bộ xe khách tuyến cố định có hành trình trên 1.000km và 30% xe khách tuyến cố định có hành trình từ 300km trở lên của 33/63 Sở Giao thông Vận tải, theo kế hoạch phân luồng, sẽ sang hoạt động trên đường Hồ Chí Minh đoạn từ Hà Nội-Vinh thay vì đi trên Quốc lộ 1.
Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục