Tích cực xã hội hóa đầu tư cho CNTT-truyền thông

Tích cực xã hội hóa đầu tư cho CNTT-truyền thông là 1 trong những nội dung sớm đưa Việt Nam thành nước mạnh trong lĩnh vực này.
Hội nghị trực tuyến triển khai đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin-truyền thông" với các sở Thông tin và Truyền thông 63 tỉnh, thành phố, tổ chức ngày 4/4.

Tại hội nghị, Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông tóm tắt tình hình triển khai đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin-truyền thông" và hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện.

Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/9/2010, trong đó đặt ra các mục tiêu cụ thể về phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng, phổ cập thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng doanh nghiệp và phát triển thị trường công nghệ thông tin và truyền thông đến năm 2015 và 2020.

Để triển khai các mục tiêu của đề án trên, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để thống nhất hành động; đồng thời, nâng cao văn hóa khai thác và sử dụng công nghệ thông tin từ gia đình đến nhà trường, xã hội.

Tích cực xã hội hóa đầu tư cho công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt là phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng; đẩy mạnh dùng chung các công trình công cộng, điện lực, cấp thoát nước, giao thông để ngầm hóa mạng cáp thông tin, cáp truyền hình. Ưu tiên sử dụng vốn ngân sách địa phương và huy động các nguồn khác để đẩy mạnh đầu tư các dự án một cách có trọng điểm, có tính đột phá.

Đồng thời, các địa phương trong thẩm quyền của mình xây dựng và thực thi các cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư vào công nghệ thông tin.

Đại diện các sở Thông tin và Truyền thông đã trao đổi, thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến việc triển khai đề án tại địa phương. Cụ thể, Bộ cần tiến hành đánh giá lại hiệu quả của các chương trình, dự án đã thực hiện trong giai đoạn 2006-2010 vì xây dựng kế hoạch triển khai đề án mới cần dựa trên kết quả cũng như hạn chế trước đó để tìm cách khắc phục. Nguồn kinh phí cũng cần phân bổ cho từng nhiệm vụ cụ thể; đồng thời, lựa chọn các tỉnh trọng điểm triển khai đề án.

Ngoài ra, đối với các tỉnh miền núi, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và đưa thông tin về cơ sở phải được đặt lên hàng đầu, thay vì đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ thông tin./.

Việt Hà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục