Mỹ hối thúc sự ủng hộ Hiệp định quốc tế về dịch vụ

Đại sứ Mỹ tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ông Micheal Punke đã hối thúc sự ủng hộ cho Hiệp định quốc tế về dịch vụ.
Đại sứ Mỹ tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Micheal Punke đã hối thúc sự ủng hộ cho Hiệp định quốc tế về dịch vụ đã được đề xuất.

Phát biểu trước một ủy ban của Quốc hội, Đại sứ Mỹ tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Micheal Punke, cảnh báo tổ chức này đang ở ngã tư đường sau những nỗ lực không thành công cho một thỏa thuận tự do thương mại toàn cầu.

Tháng 12 năm ngoái, các nước thành viên WTO cuối cùng đã phải thừa nhận rằng các cuộc đàm phán về thương mại toàn cầu đã rơi vào bế tắc sau một thập niên tranh luận về việc sẽ cắt giảm trợ cấp và giảm thuế ở mức độ nào. Cùng lúc đó, một số nước đã đề xuất về một hiệp định đa phương có tên là Hiệp định quốc tế về dịch vụ.

Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ và 13 nền kinh tế phát triển và đang phát triển khác đang tiến tới việc khởi động đàm phán hiệp định trên, dù các cường quốc kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil lên tiếng phản đối.

20 thành viên WTO này sẽ nhóm họp một lần nữa vào đầu tháng 10 tới tại Geneva (Thụy Sỹ) và có kế hoạch tổ chức các cuộc họp bổ sung vào tháng 11 và tháng 12. Hiệp định sẽ được xây dựng dựa trên hơn 100 hiệp định song phương và khu vực đã được thương lượng trong 18 năm qua. Thời điểm bắt đầu các cuộc thương lượng không được ấn định cụ thể, song việc đàm phán sẽ diễn ra trong thời gian sớm nhất có thể.

Đối với Mỹ, lĩnh vực dịch vụ đóng góp gần 80% GDP của nước này, bao gồm nhiều hoạt động, từ ngân hàng, chuyển phát nhanh tới viễn thông cũng như các dịch vụ không mang tính thương mại khác. Mỹ là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới về dịch vụ và đạt thặng dư thương mại trong lĩnh vực này, trong khi bị thâm hụt trong buôn bán các sản phẩm chế tạo.

Xuất khẩu dịch vụ của Mỹ đạt trên 518 tỷ USD năm 2010, với mức thặng dư là 160 tỷ USD. Việc thương lượng về Hiệp định quốc tế về dịch vụ sẽ giúp giảm bớt rào cản đối với hoạt động xuất khẩu dịch vụ của Mỹ và giúp tăng tốc cho một cỗ máy tạo việc làm quan trọng ở nước này.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc WTO, Pascal Lamy, mới đây đã kêu gọi sự hợp tác hơn nữa về thương mại trong phạm vi khu vực và những nỗ lực không ngừng cho việc chống lại chủ nghĩa bảo hộ.

Ông nói hợp tác thương mại hiện nay thường diễn ra dưới hình thức song phương và khu vực mà đôi khi được coi như một sự thay thế cho đường lối đa phương. Tuy nhiên, ông hy vọng hợp tác kinh tế đa phương trên toàn cầu cuối cùng sẽ phát huy được lợi thế của mình./.
 
Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục