Doanh nghiệp vẫn yếu năng lực tiếp cận thị trường

Theo báo cáo, cả nước có hơn 312.000 doanh nghiệp đang hoạt động và doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng giảm dần quy mô lao động.
Ngày 18/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Lễ công bố Báo cáo thường niên Doanh nghiệp 2012 với chủ đề “Tiếng nói cộng đồng doanh nghiệp trên chặng đường đổi mới”.

Báo cáo đưa ra những đánh giá khái quát về môi trường kinh doanh trong nước với những diễn biến về tình hình tăng trưởng kinh tế, cán cân xuất nhập khẩu, thực trạng thu hút đầu tư nước ngoài và diễn biến của thị trường thế giới.

Tiếp cận thị trường yếu

Bằng việc chọn chủ đề của năm “Chặng đường 10 năm phát triển và năng lực tiếp cận thị trường,” Báo cáo đã mô tả bức tranh về sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2002-2011. Trong đó chỉ rõ quá trình chuyển dịch doanh nghiệp và thực trạng cải thiện năng lực doanh nghiệp nhất là khả năng tiếp cận thị trường.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, năm qua những khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam được thể hiện thông qua số doanh nghiệp đăng ký mới đã giảm cả về số lượng và tổng số vốn, trong khi doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động lại tăng lên. Những khó khăn tiếp cận thị trường đã trở thành hiện hữu và đẩy chỉ số hàng tồn kho của doanh nghiệp lên mức cao nhất.

Qua quá trình khảo sát, nhóm nghiên cứu nhận thấy, hiện nay khả năng tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp trong nước còn rất yếu. Các doanh nghiệp ít chú trọng đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu thị trường và phân phối sản phẩm của mình ở trong nước cũng như quốc tế.

Tuy nhiên về mô hình hoạt động, hệ thống doanh nghiệp Việt Nam đang chuyển dịch mạnh theo xu hướng các mô hình quản trị hiện đại thông qua hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn và cổ phần chiếm 80% tổng số doanh nghiệp, thay thế dần mô hình truyền thống kiểu gia đình dưới hình thức công ty tư nhân.

Bên cạnh đó, xét theo hình thức sở hữu, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước hiện đang chiếm hơn 96%, trong khi doanh nghiệp nhà nước đã giảm hẳn và chỉ còn 1%, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng cao về lao động với 14,4%, đáng chú ý là nguồn vốn của khối này lên tới 33,5%.

Một thực trạng đang diễn ra, quy mô doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vẫn tăng mạnh, trong khi Việt Nam lại thiếu hụt lực lượng doanh nghiệp có quy mô vừa, loại hình này hiện chỉ chiếm 2,1%.

Thêm vào đó, Báo cáo cũng khuyến cáo về sự mất cân đối trong hoạt động đầu tư trong các khu vực ngành nghề. Trong đó, tỷ trọng vốn đầu tư vào các ngành dịch vụ ngày càng cao, trong khi tỷ trọng này tại các ngành nông lâm ngư nghiệp và công nghiệp lại càng ít.

Cơ hội từ tái cấu trúc

Báo cáo cũng nhấn mạnh, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2013 là rất khó khăn. Nền kinh tế không chỉ chịu tác động từ chính khó khăn nội  tại mà còn bị ảnh hưởng bởi những biến động từ kinh tế thế giới.

Qua khảo sát, 5,7% doanh nghiệp được hỏi cho biết đã phải ngừng hoạt động trong năm 2012, trong đó 28,6 doanh nghiệp ngừng hoạt động do không tìm được thị trường đầu ra, 21,4% do không vay được vốn, 17,9% do nguyên liệu giá cao…

Trong báo cáo, chỉ số động thái dự cảm về sản phẩm tồn kho có xu hướng tụt xuống với âm 13 điểm. Việc doanh nghiệp dự cảm tình trạng tồn kho vẫn tăng cho thấy đây vấn là nỗi ám ảnh lớn nhất của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay và vấn đề củng cố năng lực tiếp cận thị trường vẫn phải được coi là trọng tâm của họ.

Bà Phạm Thị  Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI nhấn mạnh, khối lượng hàng tồn kho tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua cho thấy, sự mong manh trong năng lực tiếp cận thị trường là nguyên nhân chính khiến hàng loạt doanh nghiệp phải dừng hoạt động và giải thể.

Điểm lạc quan nhất trong báo cáo là chỉ số động thái thực thấy về năng suất lao động bình quân, với xu hướng đã được cải thiện và đạt 14 điểm. Điều này chỉ ra hướng đi trong các năm tới, doanh nghiệp sẽ thực hiện sát sao, chặt chẽ hơn trong việc quản lý hiệu quả làm việc của cán bộ, công nhân viên trong thời kỳ khó khăn hoặc có thể là doanh nghiệp giảm số lượng doanh nghiệp do kinh doanh khó khăn nên chỉ giữ lại những lao động lành nghề và làm việc hiệu quả.

Trên thực tế, các doanh nghiệp đều cảm nhận tình hình sản xuất trong năm 2013 vẫn rất nhiều thách thức, mặc dù mức khó khăn đã giảm so với năm 2012. Do đó, 58,3% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có xu hướng duy trì mô hình sản xuất kinh doanh hiện tại.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng đã tiếp cận và tận dụng được cơ hội tái cấu trúc nền kinh tế để tự tái cấu trúc doanh nghiệp mình. Khoảng 52,6% doanh nghiệp đồng ý về cơ bản việc tái cấu trúc đạt kết quả mong muốn, chỉ có khoảng 15,9% doanh nghiệp không đồng ý với nhận định này./.
Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục