Kinh tế và buôn bán của APEC vẫn tăng trưởng khá

Bất chấp tình trạng bất ổn trong nền kinh tế thế giới, kinh tế và buôn bán của 21 nền kinh tế thành viên APEC vẫn tăng trưởng khá.
Theo một báo cáo công bố ngày 7/9, bất chấp tình trạng bất ổn trong nền kinh tế thế giới, kinh tế và buôn bán của 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vẫn đạt mức tăng trưởng khá.

Báo cáo của Cơ quan hỗ trợ chính sách, một đơn vị nghiên cứu độc lập thuộc APEC chuyên cung cấp những bài phân tích về kinh tế và thương mại dựa trên các số liệu thu thập từ khu vực này, cho biết mặc dù mức tăng trưởng thương mại trung bình của các nền kinh tế APEC chỉ đạt 4,6% trong tháng 5/2012, so với 12,1% hồi tháng 12/2011 (dựa theo giá trị buôn bán hàng hóa của các nền kinh tế thành viên APEC tính bằng đồng USD), song vẫn đủ để khối này duy trì vị trí tăng trưởng hàng đầu so với các nền kinh tế khác trên thế giới. Trong khi đó, buôn bán hàng hóa trong tháng 5/2012 của các khu vực còn lại trên thế giới lại giảm 5,6%.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng kinh tế của APEC sẽ tăng nhẹ lên 4,2% trong năm 2012 so với mức 4,1% của năm ngoái. Năm 2013, con số này sẽ đạt 4,5%, vượt xa so với xu hướng phát triển chung của thế giới.

Giám đốc Cơ quan hỗ trợ chính sách APEC, ông Dennis Hew, cho biết mặc dù hoạt động buôn bán của các thành viên APEC trong nửa đầu năm 2012 không đồng đều do nhu cầu toàn cầu yếu và giá hàng hóa giảm mạnh, song tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế thành viên APEC vẫn tương đối mạnh và có khả năng phục hồi cao.

Theo ông Hiu, đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) vào khu vực này là đáng khích lệ nhờ một thực tế là châu Á-Thái Bình Dương hiện chiếm gần một nửa mức tăng FDI của toàn cầu trong năm 2011.

Tuy nhiên, ông Hiu cảnh báo tăng trưởng kinh tế, buôn bán và đầu tư của APEC có thể sẽ bị tác động đáng kể bởi nguy cơ suy thoái liên quan tới môi trường bên ngoài, cho dù hoạt động kinh tế của khối này dự kiến vẫn tương đối mạnh trong thời gian trung hạn.

Báo cáo còn đưa ra những biện pháp có thể giúp giảm thiểu những rủi ro trên, như duy trì các thị trường tự do và thị trường mở, thực hiện cam kết bãi bỏ các biện pháp hạn chế hiện hành, chống các biện pháp bảo hộ mậu dịch mới nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế khu vực cũng như toàn cầu./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục