ĐBSCL sẽ cùng xây dựng cơ chế thu hút đầu tư

Qua MDEC Tiền Giang 2012, ĐBSCL sẽ có sự liên kết một cách chặt chẽ hơn, cùng nhau xây cơ chế, chính sách hút và thúc đẩy đầu tư.
Tối 5/12, tại thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang), Diễn đàn Hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long - MDEC Tiền Giang 2012 do Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang tổ chức đã khai mạc.

Hơn 600 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành, doanh nghiệp, khách quốc tế và hàng ngàn người dân đã tham dự diễn đàn.

Với chủ đề “Hướng đến nền nông nghiệp chất lượng và bền vững," Diễn đàn diễn ra từ ngày 5-9/12. Diễn đàn bao gồm chuỗi sự kiện như Hội thảo tham vấn kế hoạch châu thổ sông Cửu Long lần hai; Diễn đàn nông dân Đồng bằng sông Cửu Long; Hội chợ triển lãm rau quả và thương mại Đồng bằng sông Cửu Long; Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Đồng bằng sông Cửu Long; Diễn đàn doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong khuôn khổ diễn đàn còn có Hội thảo rà soát cơ chế, chính sách đối với các mặt hàng nông sản chủ lực ở Đồng bằng sông Cửu Long và Hội nghị Ban Chỉ đạo MDEC ra Tuyên bố chung kiến nghị Chính phủ cơ chế, chính sách, giải pháp để phát triển một nền nông nghiệp chất lượng và bền vững.

[Hội thảo tham vấn kế hoạch châu thổ sông Cửu Long]


Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh mong rằng qua diễn đàn, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có sự liên kết một cách chặt chẽ hơn, cùng nhau xây dựng cơ chế, chính sách thu hút và thúc đẩy đầu tư, phát triển mạnh tính liên vùng, khai thác thật tốt thế mạnh của nông nghiệp vùng; huy động cao nhất các nguồn lực bên trong và bên ngoài sớm mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế, xã hội bền vững của vùng.

Phó thủ tướng tin tưởng rằng, tại diễn đàn các cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp sẽ trao đổi hợp tác, tìm hiểu cung cấp thông tin về cơ chế chính sách liên quan đến đầu tư, lựa chọn các dự án tiềm năng đang kêu gọi và khuyến khích đầu tư, cùng nhau làm rõ và tháo gỡ những vấn đề khó khăn, vướng mắc đang đặt ra.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đề nghị chính quyền các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cần đặc biệt quan tâm đến công tác rà soát quy hoạch, nhất là quy hoạch thủy lợi, nuôi trồng và chế biến nông thủy hải sản; tập trung phát triển nông nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trên cơ sở đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất gắn với tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

Các tỉnh cần đẩy mạnh cải cách hành chính, có những cơ chế chính sách phù hợp thông thoáng để thu hút đầu tư phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai sản xuất, kinh doanh hiệu quả mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư và toàn vùng.

Diễn đàn hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức luân phiên hàng năm, xoay vòng giữa các tỉnh trong khu vực. Đây là sự kiện nhằm đưa ra những giải pháp, đề xuất những sáng kiến để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế ngành nông nghiệp địa phương theo hướng phát triển bền vững, đồng thời rà soát, đề xuất Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển nền nông nghiệp phát triển bền vững. Trong đó, tập trung vào các sản phẩm chủ lực vùng Đồng bằng sông Cửu Long là lúa gạo, thủy sản, trái cây; tăng cường liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long./.

Công Trí (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục