Hai phim Tây Du Ký

Tinh Trì, Nhuận Phát đua nhau làm phim Tây Du Ký

Trong năm 2013, sẽ có 2 phiên bản Tây Du Ký trên màn bạc, một do Châu Tinh Trì thực hiện, một do Châu Nhuận Phát và Chung Tử Đơn làm.
Rất nhiều thế hệ khán giả Châu Á đã lớn lên cùng tác phẩm truyền hình kinh điển “Tây Du Ký” của đạo diễn Dương Khiết, với hình tượng Tôn Ngộ Không do Lục Tiểu Linh Đồng thủ vai. Sắp tới đây họ sẽ được sống lại hành trình của thầy trò Tam Tạng qua hai phiên bản điện ảnh mới. Nhiều người kì vọng rằng hai tác phẩm này sẽ mang màu sắc kì diệu như những phép biến hóa thần thông của Ngộ Không, nhất là khi những cái tên thực hiện đều vô cùng uy tín: cây hài kiêm đạo diễn lừng danh Châu Tinh Trì lẫn ngôi sao của “Ngọa hổ tàng long” Châu Nhuận Phát. Tác phẩm “Tây Du Ký” do Ngô Thừa Ân viết được coi như một trong “tứ đại danh tác” của văn học Trung Hoa, và đã được dịch sang nhiều thứ tiếng, làm phim truyền hình, điện ảnh, game online và thậm chí cả opera. Chính vì vậy, Châu Tinh Trì rất hào hứng với dự án mới này. Anh trả lời hãng AFP: “Tây Du Ký là một câu truyện với trí tưởng tượng vĩ đại, vượt qua bất kì cuộc phiêu lưu nào khác.” Châu được coi như “vua phòng vé” Hong Kong thập niên 80, 90 với những bộ phim hài có phong cách độc nhất vô nhị. Những tác phẩm như “Đội bóng Kungfu” (2001) hay “Tuyệt đỉnh Kungfu” (2004) của Châu đạt thành công không chỉ trên khắp Châu Á mà còn vươn tới cả thị trường Mỹ. Hiện dự án “Tây Du Kỳ” của Châu Tinh Trì có kinh phí lên tới 110 triệu Nhân dân tệ (tương đương 17,3 triệu USD) và đây là lần thứ ba diễn viên họ Châu làm phim dựa trên câu truyện này. Dự án trên sẽ phải đối đầu với tác phẩm 3D mang tên “Mỹ Hầu Vương” có hai siêu sao Châu Nhuận Phát và Chung Tử Đơn, với mức phí đầu tư gấp gần 4 lần “Tây Du Ký” của Châu Tinh Trì và đang trong giai đoạn thực hiện hậu kì. Châu Nhuận Phát cho biết ý tưởng thực hiện phim này đã được ông ấp ủ từ 30 năm trước, khi ông lần đầu xem một phiên bản phim đen trắng “Tây Du Ký” của Đài Loan thực hiện. Ông chia sẻ: “Tôi nghĩ lí do mà đến ngày nay người ta vẫn thích ‘Tây Du Ký’ là bởi trí tưởng tượng. Đến bây giờ tôi vẫn chưa thấy tác phẩm nào có thể vượt qua được tuyệt tác của Ngô Thừa Ân.” “Câu truyện vô cùng sáng tạo, song nó vẫn có kết cấu rất vững vàng. Một mặt tác phẩm này tự do như chim bay lượn nhưng mặt khác thì nó vẫn được sắp xếp thật trật tự. Đó mới là điều độc nhất vô nhị.”

Poster "Mỹ Hầu Vương" của Châu Nhuận Phát và Chung Tử Đơn (Nguồn: Wikipedia)
“Tây Du Ký” là tác phẩm kể về quá trình đi lấy kinh của bốn thầy trò Đường Tam Tạng. Các đệ tử của ông gồm có Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng đều là những đồ đệ trung thành và tài phép. Song để có thể đến đất Phật, bốn thầy trò đã trải qua biết bao kiếp nạn và đối đầu với đủ loại yêu quái. Tác phẩm này được coi như kinh điển với khán giả Châu Á, nhất là qua serie truyền hình năm 1986 có Lục Tiểu Linh Đồng vào vai, do đài truyền hình trung ương Trung Quốc sản xuất. Tại các nước phương Tây, “Tây Du Ký” được so sánh với “Phù Thủy xứ Oz” về cốt truyện và “Phù Thủy xứ Oz” cũng được coi như một kiệt tác về điện ảnh của Hollywood dù ra đời từ năm 1939. Giờ đây, khi mà giới hạn chỉ 20 phim nước ngoài được chiếu mỗi năm tại Trung Quốc vẫn còn hiệu lực, nền công nghiệp điện ảnh nước này cần những cốt truyện và cảm hứng dồi dào, đó chính là lí do “Tây Du Ký” được khai thác lại. Theo nhà phê bình phim Hong Kong Paul Fonoroff, đây vẫn sẽ là một thành công bởi: “Đây là một câu truyện dành cho mọi người: trí tưởng tượng, phiêu lưu, các nhân vật và cảnh hành động thú vị với trẻ em, những bài học cho người lớn, các thông điệp về Phật giáo được lồng vào và còn có những cảnh gợi cảm, tùy theo đạo diễn muốn đưa vào bao nhiêu. Cốt truyện của phim không bị ảnh hưởng bởi thời đại, và còn đại diện cho một nền văn hóa.” “Bạn hãy tưởng tượng sức ảnh hưởng của ‘Phù Thủy xứ Oz’ và nhân lên 1 triệu lần thì sẽ hình dung được Tây Du Ký”. Cả hai phiên bản điện ảnh “Tây Du Ký” lẫn “Mỹ Hầu Vương” đều sẽ ra rạp vào năm 2013./.
Quốc Thịnh (Vietnam +)

Tin cùng chuyên mục