Sẽ thúc đẩy đối thoại

Trung, Mỹ đều nhất trí thúc đẩy đối thoại liên Triều

Trung Quốc và Mỹ nhất trí thúc đẩy tiến trình đàm phán, bao gồm đối thoại giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, vì những lợi ích chung.
Trong nỗ lực làm dịu căng thẳng đang lên cao trên Bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc và Mỹ ngày 16/11 nhất trí thúc đẩy tiến trình đàm phán, bao gồm đối thoại giữa Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Hàn Quốc.

Tại cuộc gặp Thứ trưởng Ngoại giao James Steinberg ở Bắc Kinh, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc khẳng định Trung Quốc luôn giữ thái độ có trách nhiệm cao và một vai trò mang tính xây dựng đối với các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên.

Theo ông, Trung Quốc và Mỹ cần tăng cường phối hợp thúc đẩy nối lại đàm phán, bao gồm cả đối thoại giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, càng sớm càng tốt.

Ông Đới Bỉnh Quốc cũng nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên là cách duy nhất giúp giải quyết hiệu quả các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên và duy trì hòa bình và ổn định.

Về phần mình, ông Steinberg cho biết Mỹ "rất chú ý" tình hình Bán đảo Triều Tiên và sẽ phối hợp với Trung Quốc thúc đẩy tiến trình tiếp xúc và đàm phán, bao gồm cả đối thoại giữa hai miền Triều Tiên. Ông nhấn mạnh Mỹ và Trung Quốc có những lợi ích chung trong việc duy trì hòa bình và ổn định cũng như phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Mỹ Sung Kim đã tới Seoul ngày 17/12 để thảo luận về chiến lược đối phó sau khi Triều Tiên tuyên bố ủng hộ đàm phán và đối thoại.

Ông Sung Kim đến Seoul sau khi đã tới Bắc Kinh cùng với Thứ trưởng Ngoại giao Steinberg. Theo lịch trình, ông Sung Kim sẽ có cuộc gặp với trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Hàn Quốc Wi Sung-lac và thông báo những thông tin liên quan đến cuộc gặp tại Bắc Kinh với ông Đới Bỉnh Quốc.

Sau những động thái leo thang căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên, đặc biệt là vụ nã pháo ở khu vực đảo Yeonpyeong, Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 16/12 tuyên bố nước này "ủng hộ mọi đề xuất đối thoại, bao gồm cả đàm phán sáu bên, nhằm ngăn chặn một cuộc chiến tranh và thực hiện phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.”

Cùng ngày tại Washington, Phó Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng James Cartwright bày tỏ quan ngại khả năng xảy ra "phản ứng dây chuyền" trên Bán đảo Triều Tiên, nếu cuộc tập trận bắn đạn thật của Hàn Quốc dẫn tới phản ứng đáp trả của Triều Tiên.

Hàn Quốc trước đó thông báo kế hoạch tập trận bắn đạn thật trên đảo Yeonpyeong lần đầu tiên kể từ sau vụ đấu pháo tháng trước ở khu vực đảo.

Phát biểu với báo giới, Tướng Cartwright nhận định cho dù cuộc tập trận sẽ được tiến hành một cách công khai và tổ chức bài bản, nhưng nếu Triều Tiên phản ứng một cách tiêu cực và bắn trả vào các địa điểm đặt pháo trên đảo, thì sẽ mở đầu cho một phản ứng dây chuyền." Ông cảnh báo trường hợp này sẽ khiến tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát.

Quân đội Hàn Quốc cho biết các thành viên Bộ Chỉ huy Lực lượng giám sát Hiệp định đình chiến giữa hai miền Triều Tiên (UNC) của Liên hợp quốc tại Hàn Quốc sẽ quan sát cuộc tập trận một ngày này, dự kiến diễn ra trong khoảng thời gian từ 18-21/12 tới.

Theo ông Cartwright, 15 sỹ quan Mỹ và 6 quan sát viên sẽ theo dõi cuộc tập trận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục