Taxi tại TP.HCM, Đà Nẵng đồng loạt tăng giá cước

Ngày 12/3, các hãng taxi hoạt động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã đồng loạt tăng giá cước từ 500-2.000 đồng/km, tùy theo loại xe.
Ngày 12/3, các hãng taxi hoạt động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã đồng loạt tăng giá cước từ 500-2.000 đồng/km, tùy theo loại xe.

Theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Thành phố Hồ Chí Minh, do ảnh hưởng của việc giá nhiên liệu xăng dầu vừa điều chỉnh tăng, cũng như chi phí đầu vào tăng cao, nên để cân đối tài chính và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp kinh doanh taxi trong hiệp hội đã thống nhất điều chỉnh tăng giá cước taxi với mức tăng từ 10-12% so với giá cước cũ.

Hãng Vinasun có mức điều chỉnh cao nhất cho đến thời điểm hiện nay với mức tăng 1.500 đồng/km cho xe 4 chỗ, tăng 2.000 đồng/km cho xe 7 chỗ. Trong khi đó, hãng taxi Mai Linh cũng tăng giá cước từ 600-1.000 đồng/km.

Tương tự, các hãng taxi khác như Phương Trang, Vinataxi, Savico Taxi, Happy Taxi… cũng chuẩn bị tăng giá cước với mức tăng từ 500-1.500 đồng/km. Cùng với giá cước taxi tăng, giá cước vận tải hàng hóa cũng đã được một số doanh nghiệp vận tải trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh điều chỉnh.

Theo Hiệp hiệp Vận tải hàng hóa Thành phố Hồ Chí Minh, mức giá cước vận tải tăng nhưng cũng ở mức thấp, dao động từ 3,5-5%.

Bắt đầu từ ngày 12/3, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi trên địa bàn Đà Nẵng đồng loạt tăng giá, với mức tăng từ 700-1.000 đồng/km tùy từng dòng xe.

Theo Hiệp hội taxi thành phố Đà Nẵng, với việc xăng tăng 2.100 đồng/lít, chi phí đầu vào của ngành vận tải cũng tăng, nên các hãng taxi buộc phải điều chỉnh giá cước. Tính theo giá xăng mới tăng, mỗi ngày Hiệp hội taxi đang phải bù lỗ khoảng 50 triệu đồng/ngày.

Hiện Hiệp hội taxi Đà Nẵng có 6 hãng taxi với khoảng gần 1.000 đầu xe.

Trong khi đó, Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ thành phố Đà Nẵng cho biết xăng dầu tăng giá thì các doanh nghiệp vận tải sẽ lại phải tính toán chi phí nhiên liệu đầu vào để lên kế hoạch tăng giá cước vận tải, bởi đây là yếu tố tác động trực tiếp đến kinh doanh của doanh nghiệp.

Dự kiến của Hiệp hội Vận tải, hiện giá dầu diezel đã điều chỉnh tăng 1.000 đồng/lít (diezel 0,05S từ 20.400 đồng/lít lên mức 21.400 đồng/lít, tương ứng với tỷ lệ tăng 5%), nên mức giá cước sẽ tăng khoảng 2,5%.

Bên cạnh đó, nhiều chi phí khác như phí vận tải, dịch vụ… cũng sẽ tăng theo, nên có thể giá cước có thể sẽ tăng khoảng 3-4%. Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ thành phố Đà Nẵng có 36 hội viên.

Trước việc giá xăng dầu tăng, theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ (vận tải) và phía bên mua (chủ hàng) sẽ phải bàn bạc và thương lượng với nhau, đưa ra mức giá hợp lý nhất để cả hai cùng tồn tại, nếu không nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ khó tồn tại./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục