"Hốt bạc" từ nhà trọ

Người trọ khốn khổ, chủ nhà “hốt bạc”

Nhiều sinh viên tỉnh lẻ với “đồng vốn còm” dắt lưng từ quê nghèo vẫn cắn răng sống chung với thời “bão giá” nhà trọ.
Căn hầm tối om nằm dưới lòng đất là nhà trọ của Thanh – sinh viên trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội. Hàng ngày vẫn phải gồng mình chống chọi với không khí ẩm thấp. Gián bò đầy nhà, có khi bò cả lên người nếu vô tình ngủ quên không mắc màn.

“Giá nhà trọ cứ tăng vùn vụt, muốn chuyển nhưng với số tiền ít ỏi tìm nhà quá khó nên phải cố gắng chịu đựng trong cơn bão giá chung”, Thanh nói.

Gần mùa tựu trường, giá nhà trọ Hà Nội tăng vọt, nhiều sinh viên tỉnh lẻ với “đồng vốn còm” dắt lưng từ quê nghèo vẫn cắn răng sống chung với thời “bão giá” nhà trọ.

Trọ hầm tối, sống cùng với gián

Căn nhà trọ có một không hai này ở nhà số 8, ngõ 35, phố Cự Lộc nằm sâu dưới lòng đất 1,2m chỉ vỏn vẹn có 17m2, bậc cầu thang vào trong nhà là nơi để bếp và các vật dụng nấu nướng.

“Căn tầng hầm trước kia dùng để chứa đồ, nhưng trong khi giá nhà trọ đang sốt thì chủ nhà tận dụng để sửa sang lại cho thuê”, Thanh nói.

Toàn phòng chỉ có một cái cửa gỗ, đủ để hai người chui vào, mở cửa suốt ngày nhưng vẫn không hết mùi. Ngồi lâu sẽ có cảm giác bí hơi, máu không lưu thông như ngồi trong xe ô tô đóng kín cửa.

Chỉ tay xuống dưới nền, Thanh cho biết: “Những ngày ẩm thấp có mưa hay thay đổi thời tiết, khi mở cửa ra gián 'tụ tập' bò đầy nhà. Lắm hôm, em mở cửa vào nhà, giật nảy mình, nhưng lâu rồi cũng thành quen. Người lạ mà đến chơi có lẽ nhìn cảnh đó khiếp sợ không dám vào.”

Do nhà gặp hoàn cảnh khó khăn, nhà đông con, bố mất sớm, mẹ lại hay ốm và là con cả. Cuộc sống gia đình chỉ phụ thuộc vào ruộng đồng nên Thanh cố gắng tìm nhà rẻ nhất để ở. Ngoài giờ học, Thanh còn đi làm thêm gia sư, phát tờ rơi để lấy tiền trang trải cho cuộc sống của mình.

Theo Thanh, mỗi tháng gia đình chỉ cho có 800 nghìn đồng, còn thừa thiếu bao nhiêu thì em phải tự trang trải. Trong khi giá nhà là 500 nghìn đồng, cộng cả điện, nước và các khoản thu phụ vào nữa cũng mất đến 600 nghìn đồng.

“Cứ có thời gian rảnh rỗi, em lại tìm nhà trọ, nhưng nhà đắt quá nên em phải chuyển liên tục. Căn hầm này, tuy có tối và ẩm thấp nhưng giá nhà rẻ hơn nơi khác nên cố gắng ở”, Thanh nói.

Trong ngôi nhà này, ngày hay đêm thì cũng như nhau vì tối tăm nên bóng điện sẽ hoạt động hết công suất nếu có người ở nhà.

Thanh cho biết: “Nhà thì tối, bật điện lại tốn tiền khi mà giá điện tăng từ 2.000 đồng lên 2.500 đồng/số nên em rất ít khi bật điện. Lúc nào cần dùng em mới bật, còn không nhà cứ tối đen thui”.

Đằng sau mỗi cánh cửa là bao nhiêu nỗi lo toan cho cuộc sống sinh hoạt khi mà sinh viên ra trường và người dân lao động ngoại tỉnh lên Hà Nội kiếm việc cố gắng bám trụ lại.

...và nỗi lo “mùa ép giá”

Những tháng gần đây, khi các trường đại học sắp bắt đầu đón sinh viên, giá nhà trọ có xu hướng leo thang. Các chủ nhà trọ đều tăng giá hoặc dọa tăng giá khiến cho người thuê nhà lao đao và méo mặt chấp nhận.

Giá các loại phòng trọ đều tăng từ 100 – 200 nghìn đồng. Với nhà trọ trần nhà bằng fibrôximăng, nhà "xập xệ" thì giá cũng dao động từ 500 – 700 nghìn đồng. Nhà ở tách hẳn với chủ giá từ 1,5 – 3 triệu đồng/phòng.

Tuy nhiên, giá phòng cho thuê cũng dao động tùy theo khu vực nội thành hay ngoại thành.

"Giới kinh doanh nhà cho thuê đã đưa ra đủ thứ lý do tăng giá phòng trọ. Nào là giá xăng dầu tăng, hết lạm phát lại bảo tăng lương. Chỉ có những người thuê nhà cứ phải chịu cảnh tăng giá”, Thanh chia sẻ.

Trong khi đó, chủ nhà đưa lý lẽ của mình, "Hàng quán tăng, xăng dầu tăng buộc chúng tôi cũng phải tăng tiền trọ, không thì lấy gì mà bù lỗ", bà Sa – chủ nhà phố Chùa Láng cho biết.

Ngoài tiền điện 2.500 đồng/số, 3.500 đồng tiền nước/người thì các chủ nhà trọ còn tận thu nhiều khoản tiền khác như tiền vệ sinh, tiền máy bơm nước, tiền điện cầu thang, tiền gửi xe và có một khoản tiền khá oái ăm khác là tiền “người nhà” (nếu khách hoặc cha mẹ đến chơi).

Theo những sinh viên trọ lâu năm tại Hà Nội phản ánh, một chiêu mới của chủ nhà trọ để “ép giá” là dần thanh lý những cư dân cũ của xóm trọ để thay vào đó những người mới.

“Khi một người mới vào, giá đã khác với người cũ. Rồi giá nhà của cả dãy cũng tăng theo giá nhà của người mới. Năm ngoái, nhà tôi chỉ có 500 nghìn đồng/tháng, đến nay đã tăng thêm 400 nghìn đồng lên 900 nghìn đồng/tháng”, Hải – sinh viên trường Đại học Luật, trọ tại Cầu Giấy chia sẻ.

Với dãy nhà trọ cao 5 tầng, có 30 phòng, tính trung bình các khoản ra, chủ nhà cũng kiếm lời được từ 20 – 30 triệu đồng/tháng.

“Hai ông bà chả phải cần làm gì, ngồi chơi xơi nước mặc trời nắng hay mưa cứ đến cuối tháng là thu tiền. Nhà mình mà có mảnh đất ở Hà Nội, xây nhà trọ thì hay biết mấy”, người thuê trọ tên Ngân nói giọng ngậm ngùi.

Bà Sa cho biết thêm: “Khu đất trước để trồng rau, nhưng gần đây nhà trọ khan hiếm, giá thuê nhà tăng nên tôi quyết định bỏ ra ít tiền đầu tư. Khoảng 1 năm là lấy lại số vốn, quan trọng là sử dụng lâu dài nên không lo lỗ”.

Ngay bên cạnh, một dãy nhà mới đang hoàn thiện nốt nhưng cũng đã có người đặt cọc để giữ phòng.../.

Mạnh Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục