Loại tội phạm mới: Thuê tiền bảo lãnh rồi chiếm đoạt

Từ 10-14/8, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử vụ án thuê tiền bảo lãnh hàng chục tỷ đồng rồi lừa đảo, chiếm đoạt.
Trong các ngày từ 10-14/8, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử vụ án thuê tiền bảo lãnh hàng chục tỷ đồng rồi lừa đảo, chiếm đoạt.

Đây là loại hình tội phạm mới, lần đầu tiên được đưa ra xét xử tại Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội.

Bị cáo cầm đầu trong vụ án này là Nguyễn Thị Đặng (sinh năm 1958, trú tại phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh) cùng 2 đồng phạm là: Nguyễn Ngọc Tín (sinh năm 1956, trú tại phường Thảo Điền, quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh) và Hoàng Nghĩa Hiển (sinh năm 1972, trú tại phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và tài chính Hoàng Phan) đều bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cùng ra trước vành móng ngựa trong vụ án này còn có hai bị cáo là Trần Thị Tố Oanh (28 tuổi) và Vũ Ngọc Quỳnh (27 tuổi, nguyên là nhân viên Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải, MSB) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo cáo trạng, bị cáo Đặng lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dương Hùng và đứng tên đại diện pháp nhân. Tháng 12/2009, bà cùng Tín và Hiển thỏa thuận thuê 15 tỷ đồng đưa vào tài khoản của Công ty Dương Hùng nhằm chứng minh năng lực tài chính trong một hợp đồng mua bán thép. Bị cáo Hiển lo việc làm chứng thư bảo lãnh tại ngân hàng để rút số tiền thuê, Tín chịu trách nhiệm tìm “đối tác” và ứng trước chi phí thuê tiền bảo lãnh.

Thông qua một số người môi giới, Tín thuyết phục được bà Nguyễn Thị Ngọc Bích (trú ở Thành phố Hồ Chí Minh) chấp nhận cho Công ty Dương Hùng thuê 12 tỷ đồng trong thời gian 31 ngày. Theo cam kết, bên thuê không được rút tiền ra khỏi ngân hàng và mọi giao dịch liên quan đến số tiền đó đều phải có đủ chữ ký của cả Đặng và bà Bích.

Ngày 29/1/2009, Đặng và bà Bích đến Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải (MSB) chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh mở một tài khoản mang tên pháp nhân là Công ty Dương Hùng.

Trong khoảng thời gian này, Hiển cũng tìm gặp giám đốc MSB chi nhánh Cầu Giấy đặt vấn đề phát hành chứng thư bảo lãnh trị giá 12 tỷ đồng bằng biện pháp ký quỹ 100% giá trị bảo lãnh.

Sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, ngày 3/2/2010, Đặng, Tín và Hiển đến MSB Cầu Giấy rút 3 tỷ đồng trong số tiền thuê của bà Bích để chia nhau. Ít ngày sau, 3 người này tiếp tục ra MSB Thanh Xuân để rút nốt 9 tỷ đồng còn lại trong tài khoản Công ty Dương Hùng thì bị phát hiện.

Viện kiểm sát xác định, để chiếm đoạt được số tiền trên, bị cáo Đặng cùng đồng bọn đã nhờ đến sự “giúp sức” của một số cán bộ ngân hàng MSB. Cụ thể, Tố Oanh là người tiếp nhận hồ sơ đăng ký mở tài khoản đồng sở hữu của Công ty Dương Hùng nên biết rõ nguyên tắc mọi giao dịch liên quan phải có đủ cả chữ ký của Đặng và bà Bích. Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng này đã mở niêm phong tài khoản mà không có sự đồng ý của bà Bích.

Còn bị cáo Quỳnh, chưa thẩm định kỹ hồ sơ và chưa xác minh rõ nguồn gốc số tiền, thực trạng tài khoản Công ty Dương Hùng nhưng vẫn lập hồ sơ trình lãnh đạo phê duyệt phát hành chứng thư bảo lãnh.

Tại phiên tòa, đại diện của bà Bích cho rằng ngân hàng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại với lý do tài khoản tuy mang tên Công ty Dương Hùng, nhưng là tài khoản đồng sở hữu và trong hồ sơ mở tài khoản tại MSB Thành phố Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ mọi giao dịch liên quan đến tài khoản của Công ty Dương Hùng bắt buộc phải có cả chữ kỹ của bà Bích.

Đại diện MSB từ chối nghĩa vụ bồi thường số tiền của bà Bích bị các bị cáo chiếm đoạt. Phía ngân hàng cho rằng tiền trong tài khoản được phát hành chứng thư bảo lãnh là của Công ty Dương Hùng do Nguyễn Thị Đặng làm người đại diện pháp nhân. Vì thế, khi ngân hàng xác định rõ chữ ký của chủ tài khoản và con dấu của pháp nhân thì hoàn toàn có thể tiến hành giao dịch.

Được biết, trước đó, với cùng thủ đoạn này, Đặng đã thuê 14 tỷ đồng của bà Lê Thị Kim Chính (trú tại phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) để làm bảo lãnh, chứng minh năng lực tài chính.

Nhưng sau khi bà Chính chuyển 14 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty của Đặng thì Đặng cùng Tín và Hiển đã đồng thuận rút khoản tiền trên ra khỏi tài khoản bằng hình thức đề nghị phát hành bảo lãnh thanh toán tại Chi nhánh Techcombank Đông Đô, Hà Nội.

Hành vi này đã bị bà Chính kịp thời phát hiện, yêu cầu ngân hàng tạm dừng việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thanh toán.

Tòa đã tuyên phạt bị cáo Đặng và Tín lĩnh án 14 năm tù, Hiển lĩnh 12 năm tù. Hai nguyên cán bộ ngân hàng là Tố Oanh và Quỳnh cùng bị phạt 24 tháng tù treo./.

Kim Anh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục