TP.Hồ Chí Minh không thiếu rau trong dịp Tết Quý Tỵ

Trong dịp Tết 2013, số lượng rau củ các loại cung cấp cho thị trường TP.Hồ Chí Minh tăng cao hơn so với dịp Tết 2012 khoảng 15.000 tấn.
Theo thông tin từ các chợ đầu mối, các hợp tác xã trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy trong dịp Tết 2013, số lượng rau củ các loại cung cấp cho thị trường tăng cao hơn so với dịp Tết 2012 khoảng 15.000 tấn. Số lượng khá dồi dào, giá rau củ cũng ít biến động và thu nhập của nông dân trồng rau khá ổn định.

Nông dân thu lãi cao

Từ khi chương trình sản xuất rau sạch được đưa vào quy trình sản xuất rau an toàn cung cấp cho người tiêu dùng, nhiều nông dân ở các huyện ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh như Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh đã tham gia vào các Hợp tác xã để sản xuất rau sạch, vì an toàn môi trường và cũng vì sức khỏe của chính mình và cộng đồng.

Hiện nay, nhiều hợp tác xã sản xuất rau an toàn ra đời như hợp tác xã Thỏ Việt, hợp tác xã Nhuận Đức, hợp tác xã Ngã 3 Giồng, hợp tác xã Tân Trung, hợp tác xã Phước An vừa nâng cao chất lượng thực phẩm, vừa góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Hơn thế nữa, khi áp dụng đúng quy trình sản xuất, nông dân bảo vệ sức khỏe của chính họ trước tiên.

Dịp Tết 2013 này, nông dân trồng rau theo mùa vụ, đáp ứng đúng nhu cầu tiêu dùng nên thu được lợi nhuận đáng kể, không rơi vào tình trạng mất mùa.

Anh Phạm Thái, thành viên của hợp tác xã Ngã 3 Giồng tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn cho biết, khi chưa tham gia hợp tác xã, chưa áp dụng quy trình sản xuất theo VietGAP, nhiều năm vụ rau Tết không đạt năng suất cao, có khi "mất trắng."

Từ khi tham gia vào hợp tác xã, anh Thái theo sự hướng dẫn của chuyên viên kỹ thuật, xuống giống các loại rau củ theo mùa vụ, thích hợp với thời tiết và chăm sóc đúng cách đã cho anh lợi nhuận cao, năng suất vượt trội.

Vào dịp Tết này, anh trồng 7.000m2 bông cải trắng theo tiêu chuẩn VietGap, từ ngày xuống giống đến lúc thu hoạch mất 40 ngày. Ước tính, anh thu hoạch khoảng 16.000 bông cải bán với giá 5.000 đồng/kg (cả bông và lá), trong đó hợp tác xã thu vào 50% để giao cho các siêu thị, số còn lại anh bán tại chợ đầu mối Hóc Môn. Sau khi trừ toàn bộ chi phí, anh thu lãi 40 triệu đồng.

Ông Trần Văn Hợt, Chủ nhiệm hợp tác xã rau an toàn Ngã 3 Giồng cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán 2013, hợp tác xã cung cấp 20 loại rau như rau muống, rau dền, mồng tơi, cải ngồng, rau má, ớt hiểm, đậu bắp… cho các siêu thị Co-op Mart, Maximart và các bếp ăn tập thể, trường học, các chợ đầu mối với số lượng bình quân từ 30-35 tấn/ngày. Trong đó, các siêu thị chiếm 6 tấn/ngày.

Chuyển từ canh tác thông thường sang canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, anh Đỗ Văn Dũng, xã viên hợp tác xã rau an toàn Nhuận Đức, tại ấp Bàu Trăn, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dịp Tết này anh trồng 1,2 ha ớt sừng và ớt hiểm; trong đó có 9.000m2 trồng ớt sừng, cho thu hoạch trước Tết. Với giá 16.000 đồng/kg, anh Dũng thu lãi khoảng 200 triệu đồng từ ớt sừng, sau khi trừ các khoản chi phí.

Hiện nay, lượng rau củ phục vụ người dân trong dịp Tết không thiếu. Các hộ nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên giá rau bán ra thị trường cao hơn giá rau thường từ 20-25%, rau để được lâu hơn so với loại rau trồng thông thường. Với loại rau trồng thông thường, dù mẫu mã bóng mướt và đẹp hơn nhưng chỉ được sử dụng trong 24 giờ, nếu để quá thời gian, rau sẽ xuống màu, héo úa và mất lượng chất dinh dưỡng.

Còn với rau trồng theo tiêu chuẩn VietGap, dù mẫu mã không bóng đẹp bằng rau thông thường, nhưng người tiêu dùng có thể sử dụng trong 2 ngày, rau vẫn giữ được độ tươi và lượng dinh dưỡng. Chính vì thế, dù giá chênh lệch, nhưng chất lượng đảm bảo cho người tiêu dùng dự trữ rau trong những ngày Tết.

Giá cả không biến động nhiều

Dù chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết, nhưng giá rau củ cung cấp cho các siêu thị, chợ đầu mối vẫn không biến động nhiều. Chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Chủ nhiệm hợp tác xã rau an toàn Thỏ Việt cho biết, trong những ngày gần đây, hợp tác xã cung gấp hơn 40 tấn rau, củ quả các loại (gấp đôi so với ngày thường) cho các siêu thị trong thành phố nhưng giá vẫn bình ổn.

Chỉ cách đây một ngày, giá rau củ tăng nhẹ, khoảng 15%. Dự kiến trong hai ngày 28 và 29 tháng Chạp, các loại rau củ vẫn không biến động, riêng mướp đắng (khổ qua) và dưa leo sẽ tăng thêm 10% vì đây là 2 loại quả chủ yếu dùng trong dịp Tết, nhưng lại không dự trữ được, nhà vườn thu hoạch ngày nào phải bán trong ngày đó. Tuy nhiên, một số loại rau ăn lá sẽ giảm giá vì nhu cầu ít đi.

Theo bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc chợ Đầu mối nông sản Thủ Đức, các mặt hàng nông sản rau củ quả phục vụ cho dịp Tết Quý Tỵ 2013 dự kiến có biến động tăng về số lượng so với dịp Tết năm 2012.

Vào đỉnh điểm năm nay (28 tháng Chạp) có thể lên đến 6.500 tấn rau củ quả nhập chợ, tăng 500 tấn so với thời điểm này năm ngoái. Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng vẫn ổn định hơn so với năm ngoái, cụ thể như bông cải trắng Đà Lạt 22.000 đồng/kg, bông cải xanh Đà Lạt 16.000 đồng/kg.

Một số mặt hàng có biến động về giá nhưng chỉ chênh lệch từ 1.000-5.000 đồng, như caroll Đà Lạt từ 16.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg so với ngày thường, khoai mỡ 16.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng, khoai tây vàng 16.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng, dừa trái 90.000 đồng/chục (12 trái), tăng 5.000 đồng so với ngày thường./.

Hồng Nhung (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục